Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trên lộ trình gia nhập thị trường carbon

Các chuyên gia cho rằng khi thị trường carbon được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, thị trường carbon là hàng hóa không thể sờ, nắm nhưng nó là sản phẩm có giá trị và tiềm năng lớn về cơ hội đầu tư...

Nội dung trên là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo: Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức, do Báo Công Thương tổ chức ngày 25/12, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đẩy mạnh các nhiệm vụ Chính phủ giao về tái cơ cấu ngành Công Thương, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quan điểm, chỉ đạo của Đảng trong phát triển kinh tế xanh, bền vững, bảo vệ môi trường. Đồng thời góp phần hiện thực hoá mục tiêu trong các chiến lược của Chính phủ.

thi-truong-car-bon-3-1735137123.jpg Các diễn giả tại Hội thảo Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức. (Ảnh Vietnam+)

Hội thảo cung cấp thông tin về kết quả đạt được trong quá trình giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện thị trường carbon, đồng thời thảo luận những vấn đề còn khó khăn; đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phải thay đổi mô hình hoạt động để hướng tới sự phát triển bền vững

Thông tin tại Hội thảo cho biết: Ngành năng lượng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, đây cũng là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng phát thải toàn cầu. Các doanh nghiệp năng lượng, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, đang đứng trước áp lực phải thay đổi mô hình hoạt động để hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), thị trường carbon là vấn đề mới ở Việt Nam, tuy nhiên ở khu vực đã vận hành 10 năm nay.

"Thị trường carbon là hàng hoá không thể sờ, nắm nhưng nó là sản phẩm có giá trị và tiềm năng lớn về cơ hội đầu tư, kinh doanh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi chưa sẵn sàng", ông Hoàng Văn Tâm khẳng định.

thi-truong-car-bon-1-1735137156.jpg Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - phát biểu tại hội thảo. (Ảnh Báo công thương)

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang đưa ra những yêu cầu khắt khe với hàng hoá nhập khẩu, điển hình như Liên minh châu Âu với Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thì vấn đề sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là doanh nghiệp vẫn chưa hiểu, quan tâm nhiều đến hệ thống giao dịch phát thải (ETS) và thị trường carbon.

Cụ thể, theo bà Đặng Hồng Hạnh - Đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường, có 53,16% doanh nghiệp có nghe về ETS và thị trường carbon nhưng không hiểu biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản; có 26,12% doanh nghiệp có hiểu biết qua về nguyên tắc hoạt động cơ bản nhưng không hiểu được sự khác nhau giữa ETS và thị trường carbon; chỉ có 1,27% doanh nghiệp hiểu rõ cách ETS và thị trường carbon hoạt động, sự khác nhau cũng như tương tác của chúng trên sàn giao dịch carbon.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Vũ Mạnh Thắng – Ban Năng lượng Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đã nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai thị trường phát thải carbon như: Khó khăn về vấn đề pháp lý và chính sách; thách thức về tài chính; hạn chế về công nghệ kỹ thuật; thiếu hụt nhân lực và chuyên môn; khó khăn trong tiếp cận thông tin và thị trường; rủi ro và thị trường và kinh doanh.

Chuyển đổi để nâng cao uy tín thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Việc tham gia vào thị trường carbon không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp năng lượng. Thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí liên quan đến phát thải, nâng cao uy tín thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, từ nay đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các linh vực tiềm năng và từ năm 2028 tổ chức vận hành cũng như quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

thi-truong-car-bon-2-1735137194.jpg Hội thảo: Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức, do Báo Công Thương tổ chức ngày 25/12, tại Hà Nội.(Ảnh Báo công thương)

Trong các chương trình, kế hoạch, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể gắn liền với nhiệm vụ chung của ngành, đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng các văn bản pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn; tổ chức các hội thảo quán triệt, nâng cao nhận thức, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện… đẩy mạnh công tác truyền thông.

Đặc biệt, đối với giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều nhiệm vụ cùng các nhóm giải pháp thực hiện, trong đó Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 2600/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

thi-truong-car-bon-4-1735137095.jpg Các chuyên gia cho rằng khi thị trường carbon được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh. (Ảnh minh họa)

Trình bày kế hoạch, ông Hoàng Văn Tâm cho rằng: Mục tiêu tổng quát của kế hoạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 8,2% phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU - Business as usual), tương ứng với 36,2 triệu tấn CO2 (tương đưng CO2tđ) trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp. Khi có hỗ trợ của quốc tế thì giảm ít nhất 36,4% phát thải khí nhà kính với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 160,5 triệu tấn CO2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 9,0% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 55,5% triệu tấn CO2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp. Khi có hỗ trợ thêm của quốc tế giảm khoảng 34,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 213,7 triệu tấn Co2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.

Với yêu cầu đặt ra, các chuyên gia cho rằng khi thị trường carbon được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh./.