Bộ Công Thương nêu 3 đột phá chiến lược để phát triển ngành điện năm 2025

Tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong những năm gần đây là một trong những thách thức lớn trong việc phát triển, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Tiền đề cho tái cơ cấu ngành điện

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, công tác phát triển điện lực năm 2024 đã tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng. 

Đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình lưới điện 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối với nhiều kỷ lục…

Tổng sản lượng điện toàn hệ thống điện quốc gia đến hết năm 2024 ước đạt 309,7 tỷ kWh, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 2% so với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024. Như vậy, cơ bản đạt mục tiêu đề ra tại điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện cao điểm mùa khô và cả năm 2024.

Bộ Công Thương nêu 3 đột phá chiến lược để phát triển ngành điện năm 2025- Ảnh 1.

Công trình lưới điện 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ các cơ chế, chính sách như Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các nguồn điện năng lượng tái tạo với các khách hàng tiêu thụ lớn (DPPA); Nghị định số 135/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thụ. 

Đồng thời là cơ chế phát triển các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên, điện gió ngoài khơi; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi Cà Mau; Xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng điện nông thôn giai đoạn 2021-2025 trên cả nước; Xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…. 

Song song đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (lần 2); hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi than sang năng lượng sạch….

Về công tác điều hành giá điện và phát triển thị trường điện, điểm sáng nổi bật trong năm 2024, Bộ Công Thương đã xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và trình Chính phủ, Quốc hội theo đúng thời hạn được giao.

Quốc hội đồng ý tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh ThuậnNguồn điện tái tạo sẽ được phát triển như thế nào trong kỷ nguyên mới?

Việc xây dựng, giám sát vận hành thị trường điện đã giúp tăng tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường trong công tác vận hành, đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành điện. 

Đặc biệt trong năm 2024, với sự quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công Thương, đã tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN và thành lập NSMO trực thuộc Bộ. Đây là một trong những thành công và bước đi tiên quyết tạo tiền đề cho việc triển khai tốt hơn công tác tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh Việt Nam.

Về công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện trên hệ thống đài truyền hình Trung ương, hệ thống báo đài trong và ngoài Bộ thông qua Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức các hội nghị tiết kiệm điện năm 2024 và hướng dẫn triển khai các giải pháp tiết kiệm điện đối với mạng lưới tiết kiệm điện quốc gia triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đạt tỉ lệ tiết kiệm điện trên toàn quốc lớn hơn 2%/năm. 

Xây dựng đột phá chiến lược

Như vậy, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc thực hiện chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết về giảm phát thải tại COP26… còn chậm. 

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang vận hành ở mức đơn giản hóa do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện vẫn còn đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp. 

Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. Giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo các biến động đầu vào của giá nhiên liệu trong khâu phát điện do cần đảm bảo kinh tế vĩ mô. Giá điện chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý…

Tốc độ tăng trưởng phụ tải điện luôn ở mức cao, tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong những năm gần đây là một trong những thách thức lớn trong việc phát triển, vận hành hệ thống điện và thị trường điện. 

Bộ Công Thương nêu 3 đột phá chiến lược để phát triển ngành điện năm 2025- Ảnh 2.

Bộ Công Thương tập trung triển khai khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nếu các yếu tố bất lợi đồng thời xảy ra như lưu lượng nước thấp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều tổ máy phát điện gặp sự cố lớn, sẽ tiềm ẩn rủi ro một số khu vực phía Bắc có thể thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ trong các ngày nắng nóng cao điểm. 

Sang năm 2025, ngành Công Thương xác định tiếp tục công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong đó khẩn trương triển khai cụ thể Luật điện lực (sửa đổi) và các chủ trương lớn được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 như khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, tổ chức triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi). 

Thực hiện tốt công tác điều hành giá điện năm 2025, ban hành biểu giá chi phí tránh được, khung giá phát điện, giá bán buôn điện cho các Tổng công ty Điện lực, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ. Kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, kiểm tra phương án giá điện các nhà máy điện.