Khác hẳn với sự bóng bẩy, cầu kỳ của gốm Bát Tràng hay gốm Phù Lãng, gốm Gia Thủy mang một vẻ đẹp mộc mạc, chân phương đến lạ. Từng sản phẩm như chứa đựng cả hồn đất, hồn người, là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa đất sét, lửa nung và đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, vào năm 1959, một nghệ nhân làm gốm từ Thanh Hóa đã mang theo đôi bàn tay tài hoa và sự đam mê với đất sét đến với mảnh đất Gia Thủy.
Nhận thấy đất sét nơi đây vô cùng phù hợp để tạo nên những tác phẩm gốm tinh xảo, ông đã quyết định lập xưởng và truyền dạy nghề cho người dân. Từ đó, ngọn lửa nghề gốm đã được thắp lên và cháy sáng suốt gần thế kỷ qua. Năm 2007, làng gốm Gia Thủy chính thức được công nhận là một trong những làng nghề truyền thống của Ninh Bình, khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Cho đến nay, dù thời gian có trôi qua, gốm Gia Thủy vẫn luôn giữ được sức sống bền bỉ, trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.
Quy trình làm gốm tại Gia Thủy bắt đầu từ việc lựa chọn đất sét. Loại đất sét đặc trưng của vùng, với màu nâu vàng và độ dẻo cao, là nguyên liệu chính để tạo nên những sản phẩm gốm độc đáo. Sau khi được phơi khô, nghiền nhỏ và nhào trộn, đất sét sẽ trở nên dẻo mịn, sẵn sàng cho công đoạn tạo hình.
Bà Đinh Thị Hà, nghệ nhân làm gốm ở Gia Thủy chia sẻ: “Để có thể tạo ra sản phẩm tốt nhất, người thợ gốm cần phải thuộc các khẩu quyết ‘nhất liệu, nhì nung, tam hình tứ trí’. Câu nói này đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ nghệ nhân làng gốm. ‘Nhất liệu’ có nghĩa là chất liệu đất sét phải thật tốt, ‘nhì nung’ là quá trình nung đòi hỏi sự tinh tế, ‘tam hình’ là tạo hình sản phẩm phải tỉ mỉ và ‘tứ trí’ là người thợ phải có óc sáng tạo”. Nhờ tuân thủ những nguyên tắc này, gốm Gia Thủy mới có được vẻ đẹp độc đáo và giá trị riêng.
Bằng bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, những nghệ nhân Gia Thủy đã biến những khối đất vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, như chum, vại, lọ hoa, quy trình tạo hình có thể khác nhau, nhưng đều đòi hỏi sự tỉ mẩn và tập trung cao độ. Đặc biệt, gốm Gia Thủy thường để mộc, không tráng men, giúp tôn lên vẻ đẹp tự nhiên và mộc mạc của đất sét.
Sau khi tạo hình, sản phẩm sẽ được phơi khô tự nhiên trước khi đưa vào lò nung. Quy trình nung gốm tại Gia Thủy vẫn giữ nguyên phương pháp truyền thống, sử dụng củi làm nhiên liệu. Trong suốt 3 ngày 3 đêm, người thợ không ngừng canh lửa, điều chỉnh nhiệt độ để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ánh lửa bập bùng từ những chiếc lò nung không chỉ là nguồn nhiệt mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ và tâm huyết của người làm gốm.
Ông Trịnh Văn Dũng, Giám đốc HTX gốm Gia Thủy, đã chia sẻ một câu chuyện thú vị về sự phát triển của làng nghề. Theo ông, "Thời kỳ đầu khi bà con mới biết đến nghề gốm, kỹ thuật còn thô sơ, chủ yếu sản phẩm làm ra để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Cho đến những năm 2000, có một nhóm thương gia và nghệ nhân ở Nhật Bản đến và mang theo kỹ thuật làm gốm cốt truyền của Nhật. Qua tìm hiểu họ đã rất ngạc nhiên về kỹ thuật làm gốm ở nơi đây nên đã hợp tác sản xuất một số sản phẩm để xuất khẩu". Chính sự hợp tác này đã mở ra một chương mới cho sự phát triển của gốm Gia Thủy, đưa sản phẩm của làng nghề đến với bạn bè quốc tế.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng gốm Gia Thủy đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Năm 2021, sản phẩm bình gốm cắm hoa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP, một dấu mốc quan trọng khẳng định chất lượng và giá trị của sản phẩm. Đồng thời, HTX gốm Gia Thủy cũng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen vì những đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc các nghệ nhân liên tục giành được các giải thưởng cao quý tại các cuộc thi cấp tỉnh, như giải A Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2019 cho sản phẩm bình sành tứ linh, đã góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao giá trị của gốm Gia Thủy trên thị trường.
Qua hành trình gần một thế kỷ, gốm Gia Thủy không chỉ là một sản phẩm thủ công mà còn là một di sản văn hóa quý báu, là niềm tự hào của người dân Ninh Bình. Với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, gốm Gia Thủy đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước./.