Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam 2024 cao kỷ lục từ trước đến nay, ước đạt tới 62,5 tỷ USD

Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với nhiều kỷ lục trong xuất khẩu nông - lâm - thủy sản được xác lập. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt tới 62,5 tỷ USD, đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
xuat-khau-nong-san-1-1735262270.jpg Ngành nông nghiệp Việt Nam đã lập kỳ tích xuất khẩu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt tới 62,5 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 18,7% so với năm trước.(Ảnh minh họa)

Ngày 26/12, Bộ NN&PTNT thông tin, ngành nông nghiệp Việt Nam đã lập kỳ tích xuất khẩu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt tới 62,5 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 18,7% so với năm trước.

Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tiếp tục khẳng định vị thế cũng như tiềm năng của nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, xuất siêu của ngành đã đạt mức cao kỷ lục, lên đến 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so với năm 2023. Những con số ấn tượng này là minh chứng rõ rệt cho nỗ lực không ngừng của nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp trong việc phát triển sản phẩm chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ toàn cầu.

Bộ NN&PTNT đánh giá năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với nhiều kỷ lục trong xuất khẩu nông - lâm - thủy sản được xác lập. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính năm 2024 đạt 32,8 tỉ USD, tăng 22,4% so với năm trước; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỉ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỉ USD, tăng 12,2%.

Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD (tăng 1 so với năm 2023). Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỉ USD (tăng 20,3%); rau quả 7,12 tỉ USD (tăng 27,1%); gạo 5,75 tỉ USD (tăng 23% với lượng xuất khẩu là 9,18 triệu tấn, tăng 12,9%); cà phê 5,48 tỉ USD (tăng 29,1% với lượng 1,32 triệu tấn, giảm 18,8%).

xuat-khau-nong-san-2-1735262331.jpg Năm 2024, Việt Nam đạt được nhiều thành công trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của quốc gia. (Ảnh minh họa)

Thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn.

Năm 2024, Việt Nam đạt được nhiều thành công trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của quốc gia. Bên cạnh việc củng cố các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam đã nỗ lực khai thác các thị trường mới tại Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và Nam Á. Đây là các khu vực tiềm năng với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chất lượng cao như gạo, càphê, sầu riêng, cá tra và tôm.

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, MSC và chứng nhận về nguồn gốc gỗ hợp pháp giúp sản phẩm Việt Nam nâng cao giá trị cạnh tranh và tạo lòng tin với người tiêu dùng quốc tế.

Sự chuyển dịch quan trọng trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản là các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng như trái cây đóng hộp, thủy sản đông lạnh và gỗ chế biến, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng cao cấp tại các nước phát triển. Bên cạnh đó, các sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhờ đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường EU và Hoa Kỳ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đây là thành quả của một chiến lược đồng bộ trong phát triển hệ thống logistics, thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường.

Trong đó, một trong nỗ lực nổi bật là xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics - nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”. Đề án này được kỳ vọng tiếp tục tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong những năm tới.

Trong năm 2024, Bộ NN&PTNT đã chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất. Các cơ chế chính sách đối với xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản, mở rộng cơ hội xuất khẩu, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Đồng thời, các doanh nghiệp đang chú trọng các thị trường mới và tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, cùng với thị trường thực phẩm Halal, tạo ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.

xuat-khau-nong-san-3-1735262253.jpg Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD (tăng 1 so với năm 2023).(Ảnh minh họa)

Năm 2025 là năm được đánh giá là cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt kỷ lục rồi, có sự đột phá nhưng làm sao để phát triển bền vững. Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng, hai vấn đề này phải luôn duy trì song song với nhau."

Theo ông Nam, chính những người nông dân - lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng bởi xu hướng của thế giới là ngày càng quan tâm tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm 2024 sắp khép lại với những con số xuất khẩu ấn tượng, và cũng mở ra những cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu, nâng tầm vị thế sản phẩm nông lâm thủy sản trên bản đồ thế giới. Kỳ tích của ngành nông nghiệp không chỉ góp phần tạo ra giá trị kinh tế to lớn mà còn nâng cao đời sống của hàng triệu người nông dân Việt Nam./.