Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2024

Mới đây, ngày 25/12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị giao ban báo chí và truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024. Theo đó, tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn, tồn tại nhưng kinh tế Bình Dương vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng.
bd-01-1735146391.png Quan cảnh buổi họp giao ban báo chí và truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024, ngày 25/12 tại Bình Dương. (Ảnh: Quốc Cường)

Những chỉ số tích cực, nhiều kết quả khả quan

Năm 2024, Bình Dương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. UBND tỉnh sớm dự báo tình hình, đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, có 31/36 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và đô thị thông minh đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu còn lại gần đạt với kế hoạch và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 7,48%  (năm 2023 tăng 5,00%); GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 64,93% - 25,08% - 2,73% - 7,26%.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% (năm 2023 tăng 6,1%); Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2% (vượt kế hoạch năm). Thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD.

bd-02-1735146439.jpg Năm 2024 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đang từng bước phục hồi tốt, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 71.234 tỷ đồng, tăng 10% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện 26.759 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó ước thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến cuối năm, đạt trên 105% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong công tác thu hút đầu tư, năm 2024 Bình Dương tiếp tục thu hút trên 80 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và trên 2,2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 73.600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 807.000 tỷ đồng và 4.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42,4 tỷ đô la Mỹ.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,2% (vượt kế hoạch năm). Thặng dư thương mại đạt 10 tỷ đô la Mỹ.

Song, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, một trong những việc quan trọng được hoàn thành trong năm 2024 là công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây được coi là xương sống, định hướng cho Bình Dương phát triển trong thời gian tới.

bd-03-1735146493.png Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Dương đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2025. (Ảnh: Quốc Cường).

Bình Dương tiếp tục khắc phục hạn chế, phấn đấu về đích sớm trong năm 2025

Năm 2025, Bình Dương xác định mục tiêu, hoàn thành các Nghị quyết, chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên năng lực nội sinh, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế. Tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, phát triển đô thị - dịch vụ bền vững.

Trong 36 chỉ tiêu chủ yếu, Bình Dương xác định, phấn đấu GRDP tăng từ 10% trở lên so với năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người 195 triệu đồng. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế, công nghiệp (63,81%) - dịch vụ (26,34%) - nông nghiệp (2,66%) - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (7,19%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 – 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9 – 10%...

Tại Hội nghị, ông Võ Anh Tuấn - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cũng nhận định năm 2024, bên cạnh những thành quả tích cực đã đạt được vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục và hoàn thiện. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn đang gặp phải một số khó khăn, chẳng hạn như: Tổng sản phẩm trong tỉnh và GRDP bình quân đầu người tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác thu hút đầu tư một số ngành công nghệ cao chưa nhiều,...

Cũng theo ông Võ anh Tuấn, trong năm 2025, để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Dương đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2025. Điển hình như: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bảo đảm ổn định các cân đối lớn. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân,...

bd-04-1735146554.jpg Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 tại hội nghị".

"Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh tế của Bình Dương có nhiều khởi sắc, đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu có tín hiệu phục hồi, xuất khẩu tại nhiều thị trường chủ lực đã lấy lại tăng trưởng, một phần cũng nhờ sự quan tâm đặc biệt của cơ quan báo chí. Qua đây, rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ Bình Dương trong việc tuyên truyền, đây chính là yếu tố để tạo thế mạnh cho các địa phương phát triển trong thời gian tới", ông Tuấn phát biểu.

Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Trương Thị Bích Hạnh, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ghi nhận, biểu dương sự phối hợp của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền, đã góp phần quan trọng vào thành công chung của tỉnh. Công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm mới nổi bật thể hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn; nội dung thông tin bám sát thực tiễn gắn liền với xây dựng, định hướng theo đúng chủ trương, chính sách và điều kiện của địa phương./.