Tận dụng "kẽ hở" từ thuế quan, Temu, Shein chiếm lĩnh thị trường châu Âu, châu Mỹ

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, trong thời kỳ khó khăn như hiện tại, Temu và Shein vẫn tiếp tục phát triển bùng nổ và chiếm lĩnh thị phần thương mại điện tử tại châu Âu và Mỹ.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (Bộ Công Thương), 2 ứng dụng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc, Temu và Shein, đang mở rộng mạnh mẽ để chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Tác động của 2 ứng dụng cũng đang lan rộng tại Thụy Điển.

Vậy tại sao lại là lúc này và bằng cách nào mà hàng hóa của họ có thể rẻ đến kinh ngạc như vậy? Hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có thực sự là một ý tưởng kinh doanh khả thi vào năm 2024?

Thoạt nghe, điều này dường như là một ý tưởng lỗi thời. Nhập khẩu hàng hóa giá rẻ như quần áo, đồ chơi và điện tử từ Trung Quốc đã từng là trào lưu lớn vào những năm 2000. Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc đã chuyển hướng ngành công nghiệp sang công nghệ cao.

Hé lộ 5

Trung Quốc đã chuyển hướng ngành công nghiệp sang công nghệ cao.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhìn nhận, xe điện mới là biểu tượng của tương lai Trung Quốc chứ không phải là những món đồ nhựa rẻ tiền. Dù vậy, Temu và Shein vẫn tiếp tục phát triển bùng nổ và chiếm lĩnh thị phần thương mại điện tử tại châu Âu và Mỹ.

Có thể kể đến yếu tố đằng sau thành công của họ trong cuộc chiến thương mại này là sự khủng hoảng chi phí ở phương Tây.

Cú sốc lạm phát trong những năm qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài chính và tâm lý của người tiêu dùng. Hàng trăm triệu hộ gia đình tại châu Âu và Mỹ phải thắt chặt chi tiêu và tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ.

Bên cạnh đó, sau đại dịch, nhiều người trẻ dành thời gian mua sắm trực tuyến thay vì ghé thăm các cửa hàng truyền thống. Trong bối cảnh này, mô hình bán hàng giá rẻ trực tuyến lại trở nên hợp thời điểm.

Cùng với đó, việc kinh tế Trung Quốc suy yếu, khi phương Tây đối mặt với khủng hoảng chi phí, Trung Quốc lại phải vật lộn với các vấn đề như khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp. Điều này tạo ra dư thừa công suất trong ngành công nghiệp sản xuất lớn nhất thế giới.

"Giải mã" sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới Trung QuốcThương mại điện tử: Bài toán giữ vị thế trên “sân nhà” cho doanh nghiệp Việt

Nhiều nhà máy ở các trung tâm dệt may như Panyu sẵn sàng chấp nhận mức giá thấp hơn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các ứng dụng mua sắm như Temu và Shein phát triển.

Yếu tố nữa là kẽ hở trong hệ thống thuế quan, cả Temu và Shein đã phá vỡ mô hình vận chuyển truyền thống của các công ty tiêu dùng lớn. Trong khi các thương hiệu như IKEA hoạt động dựa trên quy mô lớn và vận tải hàng loạt, Temu và Shein lại vận chuyển từng đơn hàng trực tiếp từ nhà máy hoặc kho – bằng đường hàng không.

Những lô hàng nhỏ này tránh được các khoản thuế quan thông thường nhờ vào lỗ hổng trong thương mại quốc tế, giúp giảm chi phí đáng kể.

Đặc biệt không thể không nhắc đến sự hậu thuẫn của nguồn tài chính khổng lồ. Giá bán rẻ đến phi lý đồng nghĩa với việc ai đó sẽ phải gánh chịu chi phí, thường là các cổ đông của công ty. Đây từng là chiến lược của các ứng dụng giao đồ ăn: tăng trưởng trước, lợi nhuận sau.

Temu, với sự hậu thuẫn tài chính từ công ty mẹ Pinduoduo, dường như cũng áp dụng chiến lược này. Mỗi sản phẩm bán ra có thể mang lại thua lỗ cho công ty, nhưng họ sẵn sàng chịu lỗ để giành thị phần.

Cuối cùng là vấn đề chất lượng, không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nhiều người nhận thấy hàng hóa từ Temu và Shein không được làm từ chất liệu bền hoặc có độ hoàn thiện cao.

Tuy nhiên, trong thời kỳ khó khăn như hiện tại, nhu cầu về hàng hóa “dùng nhanh, thay nhanh” lại có chỗ đứng trên thị trường.

"Với 5 yếu tố này, Temu và Shein đang tận dụng thời cơ để thống lĩnh thị trường thương mại điện tử toàn cầu, bất chấp những rào cản về chính trị, kinh tế và chất lượng sản phẩm", Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nêu.

Trong diễn biến tại thị trường Việt Nam, đầu tháng 12/2024, phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Sau khi làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sàn Temu dừng hoạt động đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.

Từ cuối tháng 9/2024, Temu - sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thuộc PDD Holdings, tập đoàn hiện sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo (Trung Quốc) hiện diện trên thị trường Việt Nam. Song ngay sau đó, Temu bị phát hiện chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương yêu cầu trong thời gian thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, các sàn thương mại điện tử phải có thông báo chính thức trên ứng dụng, website để thông báo tới người tiêu dùng.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp chủ sàn khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật trong tháng 11. Sau thời hạn này, sàn có thể bị chặn truy cập.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu không thông quan đối với tờ khai hàng hóa từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam.