Công ty địa ốc hiếm hoi báo không còn dư nợ trái phiếu làm ăn thế nào?

TTC Land - doanh nghiệp có liên quan tới Sacombank dù thua lỗ trong quý IV/2022, vẫn tiến hành thanh toán toàn bộ lô trái phiếu cuối cùng của công ty.

Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) mới đây đã có thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để cho biết, tính đến ngày 23/11/2023, công ty đã không còn dư nợ trái phiếu nào.

Cụ thể, công ty cho biết lô trái phiếu cuối cùng mà doanh nghiệp vay nợ đến hạn vào ngày 22/11/2022 đã được thanh toán hoàn toàn cả nợ lãi và gốc trái phiếu vào ngày 23/11/2022.

Theo BCTC quý IV/2022 được doanh nghiệp công bố, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp địa ốc này tại cuối năm 2022 vào khoảng 4.600 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với hồi đầu năm, cơ cấu nợ vay tài chính là 1.908 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.

Phần lớn là các khoản vay từ OCB (649,7 tỷ đồng), Nam Á Bank (432,7 tỷ đồng), BIDV (195,4 tỷ đồng),... Bên cạnh đó ghi nhận, công ty cũng không có dư nợ trái phiếu trong cơ cấu nợ.

Chưa kể, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu đạt 5.068 tỷ đồng, tăng 35 tỷ đồng so với đầu năm. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của TTC Land đạt 9.691 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Trong đó tiền và tương đương tiền tăng gấp 3 lần lên mức 121 tỷ đồng.

Cơ cấu hàng tồn kho có xu hướng giảm nhẹ, chủ yếu là các bất động sản dở dang của doanh nghiệp, đạt 2.776 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có hơn 1.000 tỷ đồng là các khoản đầu tư tài chính dài hạn, bao gồm các khoản đầu tư vào công ty liên kết, đối tác và tiền gửi ngân hàng.

Theo tìm hiểu, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín ra đời từ sự hợp nhất của các Trung tâm Giao dịch Bất động sản của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vào ngày 29/3/2004. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là kinh doanh nhà, môi giới bất động sản và đầu tư xây dựng. Các dự án tiêu biểu của công ty có thể kể đến như TTC Plaza Tây Ninh, TTC Plaza Bình Thạnh, khu công nghiệp Thành Thành Công,…

Về bức tranh tài chính, quý IV/2022 doanh thu thuần của công ty đạt 319 tỷ đồng tăng 193% so với cùng kỳ năm 2021. Lãi gộp theo đó cũng bật tăng 217% lên 81 tỷ đồng.

TTC Land cho biết doanh thu trong quý tăng chủ yếu nhờ khai thác hiệu quả hoạt động kinh doanh từ cho thuê sàn thương mại tại các dự án Charmington La Pointe, TTC Plaza Bình Thạnh,… đảm bảo tỉ lệ lấp đầy trên 95%. Cùng với đó là doanh thu đến từ dự án Carillon 7 tăng vào 3 tháng cuối năm, do thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân được triển khai khẩn trương, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của TTC Land. 

Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm xuống chỉ 36 tỷ đồng mà chi phí tài chính vẫn cao ở mức hơn 174 tỷ đồng đã kéo lùi kết quả kinh doanh chung của công ty.

Kết quả, dù lợi nhuận gộp tăng trưởng song TTC Land báo lỗ sau thuế quý IV/2022 hơn 89,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4,6 tỷ đồng, đây là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp sau 11 quý báo lãi liên tiếp.

Công ty lý giải, lợi nhuận sau thuế trong quý bỗng quay đầu âm nặng do doanh thu tài chính giảm khi TTC Land thực hiện thu hồi các khoản cho vay ngắn hạn trong năm và trích trước các khoản chi phí tài chính.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của TTC Land đạt 893 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước. Cùng với chi phí tăng cao, công ty địa ốc này báo lợi nhuận sau thuế cả năm giảm 71%, chỉ còn 56 tỷ đồng. Năm 2022, TTC Land đề ra kế hoạch doanh thu 2.135 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 42% mục tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận.