Trần Lân

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đón thêm gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Vốn đầu tư của các dự án tập trung vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp và các sản phẩm công nghệ, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử.

6 dự án đăng ký đạt 390 triệu USD

Ngày 21/1, thông tin từ ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An, đầu năm 2024, đã có 6 dự án đăng ký đầu tư đạt 390 triệu USD, tương đương hơn 9.555 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô - Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đón thêm gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Phối cảnh toàn bộ dự án khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại huyện Hưng Nguyên.

Dự án đầu tiên là “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai II” tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 334,79ha do Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt đầu tư.

Tiếp đến, dự án thứ hai là “Dự án Nhà máy Radiant Opto - Electronics Việt Nam Nghệ An” tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, tổng mức đầu tư 120 triệu USD, quy mô sử dụng đất 6,1 ha do Công ty Radiant Opto-Electronics Corporation (Đài Loan) đầu tư.

Dự án thứ ba là “Dự án Nhà máy công nghệ Everwin Precision (Nghệ An)” tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, tổng mức đầu tư 115 triệu USD, quy mô sử dụng đất 16,5 ha, do Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision (Việt Nam) đầu tư.

Dự án thứ tư là “Dự án Công ty TNHH công nghệ chính xác Luxcase (Việt Nam)” tại Khu công  VSIP Nghệ An, tổng mức đầu tư 24 triệu USD, quy mô sử dụng đất 10,9 ha, do Công ty Casetek Singapore PTE.LTD (Singapore) đầu tư.

Dự án thứ năm là “Dự án Nhà máy sản xuất Technology Xinfeng Việt Nam ” tại Khu công nghiệp WHA, tổng mức đầu tư 32 triệu USD, quy mô sử dụng đất 4,37 ha, do Công ty Fujian Xinfeng Technology Co.,Ltd (Trung Quốc) đầu tư.

Dự án thứ sáu là “Dự án Nhà máy sản xuất GaoJia Optics Technology Việt Nam” tại Khu công nghiệp WHA, tổng mức đầu tư 20 triệu USD, quy mô sử dụng đất 4,4 ha, do Công ty TNHH Công nghệ quang điện Cao Giai Giang Tây (Trung Quốc) đầu tư.

Kinh tế vĩ mô - Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đón thêm gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư (Hình 2).

Nghệ An chạm mốc 1,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023.

Đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và có sự tăng trưởng đáng kể. Việc thu hút được các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ lớn đầu tư tại Nghệ An được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư vốn FDI trong thời gian qua.

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, với việc các dự án hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết hợp với chiến lược “5 sẵn sàng” (về mặt bằng; về cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ), làn sóng thu hút đầu tư mới đã xuất hiện và tăng mạnh trong thời gian qua tại Nghệ An.

“Dự báo sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới khi những nhà đầu tư trong lĩnh vực này muốn tìm kiếm những địa điểm đầu tư an toàn, ổn định và có quỹ đất lớn trong khi các quỹ đất công nghiệp quy mô lớn ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam đang trở nên khan hiếm”, đại diện ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thông tin.

Tính đến hết tháng 12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 116 dự án, tăng 3,6 lần so với năm 2022; điều chỉnh 185 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 57.891 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch cả năm (30.000-35.000 tỷ đồng).

Đặc biệt, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đã đạt trên 1,6 tỷ USD. Trong năm 2023, tỉnh Nghệ An thu hút được 1,603 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó thu hút vào địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.

Nghệ An tập trung 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột, 6 trung tâm đô thị động lực

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Nghệ An bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Nghệ An và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012.

Kinh tế vĩ mô - Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đón thêm gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư (Hình 3).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 quy hoạch tỉnh hướng đến là xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Theo quy hoạch được phê duyệt, Nghệ An sẽ tập trung phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.

Tỉnh thực hiện 3 đột phá chiến lược theo quy hoạch. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; Phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; Phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị: Đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.

Kinh tế vĩ mô - Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đón thêm gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư (Hình 4).

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao Giấy chứng nhận đầu tư và tặng hoa cho các nhà đầu tư vào Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng sau khi phê duyệt, gắn với tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.