Vinaconex bán hơn 55,6 triệu cổ phiếu VCR, không còn là công ty mẹ của chủ dự án Cát Bà Amatina

Trong hai phiên 15 và 17/7, Vinaconex đã bán ra tổng cộng 55,65 triệu cổ phiếu VCR, giảm sở hữu từ 51% vốn về 24,5% vốn tại Vinaconex ITC, qua đó không còn là công ty mẹ của doanh nghiệp này.
vcr3-1752818417.jpg Phối cảnh một góc dự án Cát Bà Amatina. (Ảnh: VCR)

Cụ thể, trong phiên ngày 15/7, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) đã thực hiện bán ra 8,4 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR), giảm sở hữu từ 51% xuống 47%, tương đương 98,7 triệu cổ phiếu.

Đến phiên ngày 17/7, Vinaconex bán tiếp 47,25 triệu cổ phiếu VCR, giảm sở hữu xuống 51,45 triệu cổ phiếu VCR, tương đương 24,5% vốn tại Vinaconex ITC. Cả hai giao dịch đều với mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư.

Ghi nhận trong hai phiên giao dịch trên, cổ phiếu VCR xuất hiện khối lượng giao dịch thỏa thuận tương đương với số lượng cổ phiếu mà Vinaconex công bố đã bán ra. Trong đó, phiên ngày 15/7, khối lượng giao dịch thỏa thuận là 8,4 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch gần 417 tỷ đồng, tương đương 49.602 đồng/cổ phiếu; phiên 17/7 khối lượng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VCR là 47,73 triệu đơn vị, tổng giá trị gần 2.368 tỷ đồng, tương đương 49.602 đồng/cổ phiếu.

Vinaconex bán ra cổ phiếu VCR theo kế hoạch thoái vốn đã được công ty công bố hồi tháng 6. Theo kế hoạch Vinaconex sẽ chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR, tương ứng 51% vốn với giá bán tối thiểu là 48.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 9/7, Vinaconex đã đăng ký bán ra toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR trong khoảng thời gian từ 14/7 đến 13/8 nhằm cơ cấu lại khoản đầu tư.

vcr4-1752818642.png Trong nửa đầu tháng 7, cổ phiếu VCR ghi nhận nhiều phiên có giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn.

Ở chiều ngược lại, sau khi công ty mẹ công bố về kế hoạch thoái vốn, Vinaconex ITC đã đón thêm 2 cổ đông lớn mới.

Trong đó, Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha nắm giữ 23,06% sau khi mua vào hơn 48,4 triệu cổ phiếu VCR trong ngày 3/7. Trước đó, Bất động sản Hà Nội Anpha không nắm giữ cổ phiếu VCR nào. Số cổ phiếu Hà Nội Anpha mua đúng bằng khối lượng giao dịch thỏa thuận trong phiên 3/7 với giá trị giao dịch hơn 2.402 tỷ đồng, trung bình hơn 49.600 đồng/cổ phiếu.

Cổ đông lớn mới khác là Công ty TNHH Imperia An Phú. Trong phiên ngày 9/7, Imperia An Phú đã mua vào hơn 50,2 triệu cổ phiếu VCR, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,22% lên 24,1%. Số cổ phiếu Imperia An Phú mua vào cũng đúng bằng khối lượng giao dịch thỏa thuận ghi nhận trong ngày 9/7. Tổng giá trị của thương vụ là gần 2.492 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân hơn 49.600 đồng/cổ phiếu.

Bất động sản Hà Nội Anpha và Imperia An Phú được biết đến là hai doanh nghiệp có liên quan đến MIK Group – “ông lớn” bất động sản được thành lập vào tháng 6/2014, đã và đang phát triển nhiều dự án đô thị và nghỉ dưỡng trên cả nước.

Vinaconex ITC hiện là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà (tên thương mại là Cát Bà Amatina). Dự án có tổng diện tích 172,37 ha, tổng mức đầu tư 10.942 tỷ đồng. Đây được xác định là dự án trọng điểm của Vinaconex ITC kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn vào năm 2010. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án vẫn chưa thể hoàn thành như kế hoạch và công ty mẹ Vinaconex đã nhiều lần đứng ra thu xếp, cấp vốn cho dự án này dưới nhiều hình thức, từ tín dụng, trái phiếu đến phát hành riêng lẻ.

Năm 2024, Hội đồng quản trị của Vinaconex ITC đã duyệt phương án kinh doanh dự án nhưng chưa thể triển khai kinh doanh do thị trường không thuận lợi. Năm 2025, Vinaconex ITC cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thi công dự án và cũng tính đến phương án chuyển nhượng một phần dự án cho chủ đầu tư khác.

Theo báo cáo tài chính quý II/2025 vừa công bố, Vinaconex ITC đã rót vào dự án hơn 5.030 tỷ đồng, chiếm gần 94% tổng tài sản của doanh nghiệp này, tuy nhiên dự án chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Quý II/2025, công ty ghi nhận doanh thu chỉ vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm hơn 5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 550 tỷ đồng