Trần Lân

Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về thương mại điện tử

Trong top 10 website có lượt truy cập lớn nhất tại Đông Nam Á, Việt Nam có đến 5 doanh nghiệp góp mặt. Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn. 

Báo cáo cho biết, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ngoài ra, mức giá trên sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá 200.000 - 5000.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín. 

Ngành thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng khả quan khi trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Việt Nam đã và đang có những tính hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm... nên cho phép kỳ vọng sẽ kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tăng lên.

photo-1-1606894154097528308455-1652229714.jpg Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về thương mại điện tử. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, diễn đàn năm nay gồm 4 phiên thảo luận với các chủ đề: Tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối toàn cầu trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của thương mại điện tử. Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam đánh giá, trong đại dịch, thương mại điện tử là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường. Tại Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. Với đà đó, bà Trang khẳng định, thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tiếp tục tăng trưởng và góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô TMĐT hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong bối cảnh COVID-19, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do COVID-19 thì bán lẻ qua TMĐT lại tăng. Các con số thống kê và dự báo từ năm 2019 đến 2024 cho thấy TMĐT xuyên biên giới tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh số bán lẻ tăng bình quân hàng năm tăng 3,8%; tăng trưởng doanh số bán lẻ qua TMĐT tăng 15%; tỷ trọng của TMĐT trong tổng doanh số bán lẻ tăng 23,4%. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian "đóng băng" trước đó. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đã trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Từ các con số nghiên cứu và thống kê trên, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nắm bắt để có thể tận dụng và đưa ra chiến lược kinh doanh, xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến nói chung và TMĐT nói riêng một cách hiệu quả nhất đối với từng đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới.