Toàn cảnh bức tranh ngành điện trước khi EVN tăng giá bán lẻ 3%

Từ doanh nghiệp thuỷ điện, nhiệt điện cho đến doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo đều ghi nhận một bức tranh chung có phần xám màu trong quý đầu năm nay.

Ngày 4/5 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Kế hoạch tăng giá điện chỉ dành cho giá bán lẻ. Do đó, giá điện đầu vào là câu chuyện giữa nhà sản xuất - EVN - nhóm doanh nghiệp kinh doanh điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện, thủy điện,... đều có thể được hưởng lợi nếu thương lượng được giá mua điện với EVN.

Theo báo cáo từ EVN, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong quý I/2023 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 61,83 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than được huy động nhiều nhất, chiếm 45,3% sản lượng và giảm 1,27% so với cùng kỳ; tiếp đến là thủy điện (24,9%), năng lượng tái tạo (16,5%), tua bin khí và điện nhập khẩu.

Người Đưa Tin phân tích tình hình kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp ngành điện niêm yết trên sàn chứng khoán, nhận thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành sụt giảm đáng kể và có sự phân hóa rõ nét.

Thuỷ điện gặp khó

Nếu như năm 2022 các doanh nghiệp thuỷ điện hưởng lợi đáng kể từ tình hình thuỷ văn thuận lợi thì bước sang năm 2023, hiện tượng La Nina suy yếu đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh.

Hầu hết, các doanh nghiệp thuỷ điện đều ghi nhận lợi nhuận quý I/2023 sụt giảm so với mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có doanh nghiệp phải báo lỗ.

 

Là doanh nghiệp lớn trong ngành, cũng thuộc số ít có kết quả tăng trưởng trong quý đầu năm 2023, Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH) đạt 892 tỷ đồng doanh thu thuần và 476 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023, lần lượt tăng 10% và 18% so với cùng kỳ năm trước.

Phía công ty cho biết, sản lượng điện thương phẩm quý I/2023 đạt hơn 653 triệu kWh, tăng 5,37%. Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân trên thị trường cạnh tranh cao hơn cùng kỳ. Chi phí sản xuất điện có tăng (do chi phí thuế tài nguyên và phí dịch vụ môi trường) nhưng không tác động quá nhiều đến kết quả sau cùng.

Tương tự, 3 tháng đầu năm, Thuỷ điện A Vương (UPCoM: AVG) báo doanh thu thuần đạt 248,6 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 155,2 tỷ đồng, tăng 56,9% so với thực hiện quý I/2022.

Ngược lại, Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UPCoM: DNH) ghi nhận doanh thu thuần đạt 693 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 408 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Với các công ty có nhà máy thuỷ điện đặt tại phía Nam đều ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm cao, đáng chú ý, mức giảm mạnh nhất đến từ Thủy điện Miền Nam (HoSE: SHP) khi doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 75% so với cùng kỳ, đạt 15 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của Thủy điện Sông Ba Hạ (UPCoM: SBH) giảm 40%, đạt 32 tỷ đồng. Thủy điện Cần Đơn (HoSE: SJD) giảm 34% còn 19 tỷ đồng; Thuỷ điện Buôn Đôn (UPCoM: BSA) giảm 29%, đạt 10 tỷ đồng lãi sau thuế.

Thủy điện Sông Vàng (UPCoM: SVH) dù có doanh thu quý I/2023 đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 18 tỷ đồng nhưng giá vốn tăng, cộng với chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi cùng kỳ (gần 4 tỷ đồng) đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến lãi sau thuế sụt giảm gần 22%, đạt gần 9 tỷ đồng.

Có mức giảm thấp hơn là Thuỷ điện Hủa Na (UPCoM: HNA) báo lãi giảm 8,4%, ở mức 70 tỷ đồng và Thuỷ điện Thác Bà (UPCoM: BHA) giảm 3% lợi nhuận so cùng kỳ, đạt 72 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp thủy điện khác như Thủy điện Sê San 4A (HoSE: S4A), Thủy điện - Điện lực 3 (HoSE: DRL),Thủy điện Hương Sơn (UPCoM: GSM) cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm nhẹ so với quý I/2022.

Tình hình thuỷ văn bất lợi còn khiến Thủy điện Bắc Hà (UPCoM: BHA)Thủy điện Sử Pán 2 (SP2) báo lỗ sau thuế lần lượt hơn 15 tỷ đồng và 12 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hai doanh nghiệp này đều báo lãi.

 

Trong quý I/2023, các doanh nghiệp đa ngành có đầu tư vào thủy điện, đơn cử như Cơ điện lạnh (HoSE: REE) ghi nhận 2.369 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng hạ tầng điện, nước đem về cho REE 1.552 tỷ đồng, tăng 7,4% so với quý I/2022.

Tính tới cuối tháng 3/2023, REE đang góp 6.364 tỷ đồng vào 17 công ty liên kết (hầu hết là các công ty thuộc ngành điện) và thu về 209 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó lợi nhuận sau thuế của REE lần đầu vượt mốc nghìn tỷ và cao nhất trong lịch sử hoạt động với 1.055 tỷ đồng.

Nhiệt điện vẫn nặng gánh chi phí

Ở nhóm doanh nghiệp nhiệt điện khí, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - HoSE: POW) báo doanh thu thuần quý I/2023 đạt 7.424 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng 12% lên hơn 6.745 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp giảm 9%.

Công ty cho biết giá vốn trong quý I có mức tăng cao hơn doanh thu do giá nhiên liệu than phải trả cho nhà cung cấp tăng cao và cao hơn giá nhiên liệu than được chấp nhận trong giá mua điện. Sau khi khấu trừ các chi phí, PV Power báo lãi sau thuế đạt gần 650 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Với Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3 - HoSE: PGV) có doanh thu thuần đạt 11.449 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn tăng 6% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 1.231,5 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Kết quả, EVNGENCO 3 lãi sau thuế 620,9 tỷ đồng, giảm 26% so với quý I/2022.

Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) là đơn vị duy nhất trong nhóm nhiệt điện báo lãi quý I/2023 tăng trưởng 46% nhờ giá than trên thị trường bất ngờ tăng cao khiến giá điện thị trường bị đẩy lên. Do đó NT2 dù chào giá thấp để lấy sản lượng nhưng lúc thanh toán được hưởng mức giá cao.

Theo đó, NT2 ghi doanh thu đạt 2.182 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 234 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 46% so với cùng kỳ - hoàn thành gần nửa kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2023.

Với nhóm nhiệt điện than, Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) cũng chịu áp lực chi phí nhiên liệu tăng cao khiến giá vốn tăng mạnh so với cùng kỳ. Dù doanh thu tăng nhẹ (đạt 2.571 tỷ đồng) song lợi nhuận sau thuế lại “bốc hơi” 96%, chỉ còn 10 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) giảm 50% so với cùng kỳ về gần 40 tỷ đồng - thấp nhất kể từ quý IV/2021 do chi phí đầu vào tăng và hụt thu cổ tức từ các đơn vị góp vốn. Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) cũng ghi nhận mức lãi ròng giảm 58% do giá vốn leo thang.

Điện tái tạo chờ Quy hoạch điện VIII

Hiện có ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có ngành nghề kinh doanh chính là phát triển điện gió, điện mặt trời. Song, một số doanh nghiệp đang có hoạt động mở rộng và phát triển thêm mảng năng lượng tái tạo như Bamboo Capital (HoSE: BCG), Điện Gia Lai (HoSE: GEG), Tập đoàn Hà Đô (HoSe: HDG)…

Quý I/2023, Điện Gia Lai (HoSE: GEG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 548,5 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn tăng 6%, lên 235,6 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 312,9 tỷ đồng, giảm 10% so với quý I/2022. Kết quả, Điện Gia Lai báo lãi sau thuế giảm 40% về 104 tỷ đồng.

Trong ba tháng đầu năm, mảng thủy điện và điện mặt trời của Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) ghi nhận doanh thu 543 tỷ đồng, tăng 14% và đóng góp 57% doanh thu thuần của tập đoàn, vượt qua mảng bất động sản (312 tỷ đồng).

Với Bamboo Capital (HoSE: BCG), doanh thu thuần quý I/2023 đạt 726,5 tỷ đồng, giảm 42,5% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng năng lượng tái tạo đóng góp 245 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ.

Kinh doanh điện gió ôm lỗ trăm tỷ

Vừa qua, 36 nhà đầu tư điện sạch đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện với điện gió, điện mặt trời làm cho 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.

Dù Chính phủ đã vào cuộc song tiến độ đàm phán vẫn rất chậm và 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió vẫn đang nằm “đắp chiếu” chờ cơ chế.

Hồ sơ doanh nghiệp - Toàn cảnh bức tranh ngành điện trước khi EVN tăng giá bán lẻ 3%

Nhiều doanh nghiệp đầu tư điện gió chịu cảnh thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022.

Nói riêng về điện gió, số liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy nhiều dự án điện gió lỗ nặng trong năm 2022, đây là các đơn vị có phát hành trái phiếu để tài trợ cho hoạt động đầu tư dự án.

Đáng chú ý nhất là Công ty Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thuộc Tập đoàn Trung Nam) - đang vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW báo lỗ đậm 859 tỷ đồng.

Dự án Yang Trung và Phước Hữu - Duyên Hải 1 (đều thuộc Tập đoàn T&T) lỗ lần lượt 91 tỷ đồng và 60,3 tỷ đồng. Năm 2022, Điện gió Bắc Phương tiếp tục báo lỗ thêm 7 tỷ đồng trong khi năm 2021 đã lỗ 25 tỷ đồng.

Chuyển từ lãi 2021 sang lỗ trong năm 2022 cũng là kịch bản tại một số công ty khác như Phong điện IA Pết Đak Đoa 1 báo lỗ 209,5 tỷ đồng; Phong điện IA Pết Đak Đoa 2 lỗ 201 tỷ đồng.

Báo cáo về ngành điện của VNDirect đánh giá khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.

VNDirect nhận định, với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26 cũng như những điều chỉnh đáng kể trong dự thảo Quy hoạch điện VIII - nâng cao tỉ trọng công suất điện tái tạo, nhóm nghiên cứu kỳ vọng vào một chính sách giá đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.