Sầu riêng là một trong 07 loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang
Tiền Giang có diện tích cây sầu riêng khá lớn trong cả nước với hơn 24.500ha, sản lượng đạt hơn 457.890 tấn. Trái cây này đã được cấp 155 mã số vùng trồng, 66 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy sầu riêng là loại trái cây có diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất tỉnh Tiền Giang nhưng thời gian qua chất lượng chưa ổn định, nhiều lô hàng nhiễm kim loại nặng (cadimi) bị cảnh báo.
Qua lấy mẫu của các cơ quan chuyên môn, bước đầu chưa xác định nguồn nhiễm này từ đâu; trong đó đã loại trừ nguồn nhiễm từ nước, thuốc BTVT, mẫu trái cây và đang tiếp tục làm rõ. Theo UBND tỉnh Tiền Giang việc quản lý chất lượng trái sầu riêng phục vụ xuất khẩu ở địa phương gặp khó khăn. Tại địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp thu gom trái sầu riêng từ các khu vực khác.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận: “Phương pháp, giải pháp để ngăn chặn, hầu như bị động, lúng túng, ngay cả ngành nông nghiệp cũng vậy. Việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý chất cadimi hiệu quả không cao. Cho nên phải phối hợp từ chính quyền, người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học mới có thể có giải pháp tổng thể để xử lý cái này”.
Sầu riêng là một trong 07 loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang, vùng chuyên canh có diện tích lớn, với các giống sầu riêng được trồng phổ biến hiện nay là Ri6, Monthong. Hiện nay, nông dân đã có trình độ sản xuất khá cao, đều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: Bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, tỉa cành tạo tán, quản lý sâu bệnh hại theo hướng IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tiêu chuẩn GAP... để tạo sản phẩm an toàn; xử lý thu hoạch trái, rải vụ nên có sản phẩm thu hoạch quanh năm.
Thị trường tiêu thụ sầu riêng ngày càng mở rộng và được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Úc, Mỹ... với các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam, từ tháng 7/2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất và tiêu thụ sầu riêng nói riêng ở tỉnh Tiền Giang hiện nay là tập quán sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún; mối liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất còn rời rạc, chưa ràng buộc chặt chẽ bằng hợp đồng mang tính pháp lý; việc kết nối cập nhật thông tin về nhu cầu sản lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin thị trường chưa được người dân quan tâm cập nhật kịp thời.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng gặp những thách thức như: Tình hình biến đổi khí hậu xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe; giá đầu vào tăng làm tăng giá thành sản phẩm, chất lượng và giá cả sản phẩm chưa ổn định.
Các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Tiền Giang và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh việc trồng, chăm sóc cây sầu riêng, quản lý, mua bán trái sầu riêng để làm sao mặt hàng này được kiểm soát tốt; khắc phục triệt để tình trạng 55 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng của địa phương này bị tạm dừng xuất khẩu. Trong đó cần đặt ra việc quản lý tốt tất cả các dự lượng hóa học có liên quan phân bón; quản lý mã số vùng trồng cơ sở đóng gói chặt chẽ và không loại trừ các trường hợp “gian lận” các giấy tờ liên quan đến việc xuất khẩu trái cây.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, từ ngày 13/3/2023, Bộ NN&PTNT có Công văn số 1776/BNN-BVTV, giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp cho nông sản xuất khẩu; phấn đấu đến cuối năm 2023 có 70% diện tích sầu riêng đang cho trái trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng.
Tổ chức sản xuất sầu riêng theo định hướng, giảm tình trạng phát triển tự phát
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích sầu riêng trên cả nước hiện khoảng 155.000 ha, tổng sản lượng ước đạt 720.000 tấn. Với năng suất bình quân vườn sầu riêng kinh doanh khoảng 17 tấn/ha/năm, nhiều vườn đạt 25-30 tấn/ha; trong tình hình thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán ở mức cao nhiều năm liền như hiện nay, cây sầu riêng đã và đang cho thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra hiện tượng phát triển nóng về diện tích, nguy cơ dẫn đến hậu quả như cung vượt cầu, ảnh hưởng năng suất, chất lượng sầu riêng, từ đó tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng của năm 2024 và tiếp tục bứt phá trong năm 2025, các địa phương trồng chủ lực cần xác định quy mô vùng sản xuất tập trung trong phương án quy hoạch; gắn phát triển vùng trồng với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm.
Các địa phương cần tổ chức sản xuất sầu riêng theo định hướng về quy mô, địa bàn, giảm tình trạng phát triển tự phát, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn trong mùa khô. Đồng thời rà soát xây dựng, ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn liên quan quản lý giống, sản phẩm sầu riêng.
Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng, triển khai chương trình khuyến nông trọng điểm cho cây sầu riêng về canh tác, thiết lập vùng trồng, liên kết chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ưu tiên các nội dung như: ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, thu hái tiên tiến theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, công nghệ số, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu…
Theo ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu trái sầu riêng ở nước ta ngày càng tăng. Năm 2023 trái sầu riêng xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, năm 2024 đạt gần 3,5 tỷ USD. Đối với trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang đã vi phạm nhiều về kim loại nặng nên Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ cùng địa phương khẩn trương khắc phục vấn đề này; trước tiên phải tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hữu hiệu, không để sản phẩm của người nông dân làm ra mà không xuất khẩu được./.