Trần Lân

Thiếu nhiều quy định pháp lý về 'tài sản số', 'tiền ảo'

Vướng mắc pháp lý lớn nhất hiện nay đối với vấn đề quyền sở hữu tài sản trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nằm ở việc chưa có quy định pháp luật nào khẳng định các "tài sản số" là một loại tài sản.
z353455904888275c4afe62940d01a6a8c6694b259d74b-16566728039432064765585-1656733345.jpg Các đại biểu tham dự Hội thảo ngày 1/7 - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ngày 1/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo một số vấn đề về sở hữu, hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đánh giá về thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về tài sản và quyền sở hữu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), các chuyên gia pháp lý cho rằng, pháp luật về tài sản hiện hành ở Việt Nam đang tỏ ra khó khăn trong việc dung nạp các loại tài sản mới có thể phát sinh là "sản phẩm ứng dụng công nghệ mới".

Cụ thể, pháp luật hiện hành của nước ta chưa có hành lang pháp lý để xác định chủ thể sở hữu và thực hiện các giao dịch đối với các tài sản là "sản phẩm ứng dụng công nghệ mới".

Bà Lê Thuý Nga, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chỉ rõ, hệ quả pháp lý của việc chưa có quy định trên là việc bảo hộ các quyền hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc nắm giữ, chuyển nhượng, thừa kế, yêu cầu bảo vệ khi bị đánh cắp hoặc tước đoạt đối với các loại "tài sản mã hoá" trở nên không chắc chắn.

Đi kèm với đó là việc thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch liên quan tới chuyển nhượng "tài sản mã hoá" cũng chưa được áp dụng theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Việc thiếu khung pháp lý rõ ràng cũng đồng nghĩa với việc cơ quan thuế không thể thu được thuế từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh "tài sản mã hoá". Đồng thời cũng gây lúng túng cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước áp dụng quy định pháp luật trong một loạt các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh, hình sự, hành chính, pháp luật về phá sản như việc nếu mở sàn giao dịch để trao đổi, mua bán các loại tiền ảo với nhau, phát hành token để huy động vốn (ICO) thì có bị coi là bất hợp pháp không?

Ngoài ra, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng cộng với nhận thức vẫn còn rất thấp của người dân về "tài sản mã hóa" (tài sản ảo), "tiền mã hóa" (tiền ảo) cũng dẫn đến sự bùng nổ các hoạt động lừa đảo trong thời gian qua, trong đó các nhà đầu tư không được bảo vệ như các vụ M5, MT4, Gold89...

Bên cạnh đó, sự nhầm lẫn giữa khái niệm "tiền điện tử" và "tiền ảo" đã gây ra lúng túng trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.

Từ góc độ pháp lý, bà Thuý Nga phân tích: "Tiền ảo" không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp ở Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng sử dụng "tiền ảo" làm phương thức thanh toán là hành vi bị cấm ở Việt Nam và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành".

"Vì vậy, cần có những quy định pháp luật để phân biệt rõ "tiền điện tử" với các hình thức khác, vốn không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp như tiền ảo Bitcoin chẳng hạn", bà Thuý Nga kiến nghị.

Điều này cho thấy, vướng mắc pháp lý lớn nhất hiện nay đối với vấn đề quyền sở hữu tài sản trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 nằm ở việc chưa có quy định pháp luật nào khẳng định các "tài sản số" là một loại tài sản.

Theo chuyên gia, việc các "tài sản số" nói chung và "tài sản mã hoá" nói riêng chưa được công nhận chính thức là tài sản dẫn đến quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân đối với đối tượng này cũng không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Điều này đồng nghĩa với việc một loạt các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng… cũng không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp.

Như vậy, pháp luật về tài sản đứng trước những thách thức to lớn do có sự phát sinh của những loại tài sản mới, đặc biệt là "tài sản mã hoá". Do đó, vấn đề đặt ra là bảo đảm khả năng thích ứng của pháp luật về tài sản, nhất là khái niệm "tài sản", đồng thời có những cơ chế quản lý phù hợp đối với "tài sản mã hoá".