
Rủi ro tháo chạy của dòng vốn FDI được giảm thiếu
FiinRatings vừa công bố báo cáo chuyên sâu "Ngành FDI điện tử trước tác động của thuế quan đối ứng".
Theo số liệu tổng hợp của FiinRatings, ngành FDI điện tử Việt Nam hiện chiếm trên 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sức ảnh hưởng này tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, với 48 doanh nghiệp hàng đầu đóng góp tới 70% giá trị xuất khẩu toàn ngành, trong đó nhóm sản phẩm liên quan tới Samsung và Apple lần lượt chiếm 30% và 9%.
Trong giai đoạn 2021-2024, ngành điện tử đã thu hút được 20,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, nổi bật là một số dự án lớn như Jinko Solar (1,5 tỷ USD), Liteon (690 triệu USD) và Amkor Technology (529,5 triệu USD), Trinasolar (454,4 triệu USD), Foxconn (383,3 triệu USD) cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển ngành điện tử tại Việt Nam.
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng tới 57 quốc gia với mức từ 11% đến 50%, nhưng sau đó hoãn thực hiện đến 8/7/2025, trong đó, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, đã có một số lo ngại về rủi ro thuế quan gây áp lực đến thu hút FDI vào ngành điện tử Việt Nam.
Song thỏa thuận ngày 2/7/2025 ấn định tạm thời mức thuế cơ sở 20%, thay vì 46% như đề xuất ban đầu đã giải tỏa một phần áp lực đến triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Và mặc dù cần thêm thời gian để có thể đi đến thống nhất chi tiết về mức thuế đối ứng cho từng ngành hàng và cơ chế xác định hàng trung chuyển (chịu thuế 40%), mức thuế 20% này giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI so với các đối thủ trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ). Thực tế, dòng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn duy trì tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, FiinRatings cho rằng rủi ro về chính sách từ phía Mỹ vẫn là biến số khó lường nhất. Tuyên bố của Tổng thống Trump về khả năng bãi bỏ cơ chế miễn trừ theo Mục 232, có nguy cơ áp thuế 25% lên Apple, là một lời cảnh báo. Hơn nữa, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, danh mục các mặt hàng được miễn thuế có thể bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
FiinRatings đánh giá tác động của chính sách thuế quan mới đối với các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử sẽ có sự phân hóa lớn và có thể được chia thành 3 nhóm chính.
Nhóm ít bị ảnh hưởng là những doanh nghiệp FDI xuất khẩu sản phẩm điện thoại, điện máy thành phẩm (như Samsung, Intel) được miễn thuế trực tiếp, nên hầu như không chịu tác động. Trong khi đó, các công ty vệ tinh như Solum Vina (Samsung), LG Innotek hay Goertek Vina khi xuất khẩu linh kiện bán thành phẩm (không được miễn thuế từ Mỹ) có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác hoặc tăng tiêu thụ nội địa.
Nhóm tiềm ẩn rủi ro gồm những FDI xuất khẩu các mặt hàng thành phẩm không nằm trong danh sách được miễn thuế sẽ chịu sức ép cạnh tranh gia tăng nếu thuế quan mới được áp dụng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.
Nhóm chịu thiệt hại nặng nhất là nhóm các doanh nghiệp có các mặt hàng bị coi là “trung chuyển” (transshipment), với đại diện là sản phẩm pin mặt trời. Doanh nghiệp FDI sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đang phải gánh mức thuế chống bán phá giá rất cao (68 - 542%), dẫn đến chi phí tăng đột biến và khả năng mất thị phần trên thị trường quốc tế.
Cơ hội để Việt Nam định hình lại chuỗi cung ứng
Từ tác động đến các nhóm doanh nghiệp FDI trên, FiinRatings cho rằng cơ chế lan truyền sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ điện tử tại Việt Nam còn chưa phát triển.
Dữ liệu cho thấy chưa tới 1% nguyên liệu đầu vào đến từ doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 15% từ các doanh nghiệp FDI vệ tinh, và phần lớn còn lại phải nhập khẩu hoàn toàn. Điều này khiến chuỗi cung ứng nội địa khó có thể thay thế trong ngắn hạn nếu chính sách thuế của Mỹ thay đổi đột ngột.
Những tác động đến các nhóm doanh nghiệp FDI cùng doanh nghiệp phụ trợ cũng sẽ lan tỏa trực tiếp đến các trung tâm công nghiệp và logistics của Việt Nam. Các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng… có tỷ trọng điện tử trong kim ngạch xuất khẩu rất cao, trong đó phần “pin mặt trời + không miễn thuế” chiếm đa số, sẽ là những nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Nếu Mỹ áp thuế mạnh lên mặt hàng điện tử (như tuyên bố nhắm vào Apple), nhu cầu thuê đất khu công nghiệp, lưu lượng hàng hóa qua cảng và dịch vụ vận tải tại các vùng này sẽ chịu sức ép đáng kể.
Mặc dù rủi ro hiện hữu, nhưng chuyên gia của FiinRatings nhận định đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái định hình chuỗi cung ứng. Với mức thuế suất đối ứng dự kiến 40% cho hàng hóa "trung chuyển", các doanh nghiệp sẽ có động lực để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa linh kiện và phát triển các nhà máy sản xuất nguyên liệu thượng nguồn trong nước. Xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cũng là bước then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao tính bền vững trong xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro thương mại và nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Để biến thách thức thành cơ hội, Việt Nam cần theo dõi sát sao danh sách miễn thuế cập nhật từ phía Mỹ và đẩy mạnh khả năng cải thiện tỷ lệ nội địa hóa linh kiện. Việc cập nhật danh sách miễn thuế sẽ định hình lại dòng chảy sản xuất. Trong khi đó, cải thiện tỷ lệ nội địa hóa linh kiện sẽ là "bộ đệm" giúp giảm thiểu tác động từ thuế quan và tăng cường giá trị thực sự cho nền kinh tế trong nước.
Đồng thời, cần theo dõi sát sao các động thái chính sách của Mỹ, như khả năng Mỹ sử dụng các công cụ thương mại (Mục 232 hoặc 301), vì việc áp dụng các công cụ này lên ngành điện tử sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện của ngành.