Soi khối nợ hơn 27.000 tỷ đồng của “vua đào hầm” Đèo Cả

Nợ phải trả chiếm đến 77,4% tổng tài sản của HHV, Vietinbank là ngân hàng tài trợ tín dụng lớn nhất của Đèo Cả với tổng dư nợ gần 20.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022.

Theo thông tin trong BCTC, tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối quý III/2022 ghi nhận tăng nhẹ 3% so với đầu năm lên mức 35.019 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho của công ty tăng gấp 4 lần so với đầu năm lên mức 153 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Đèo Cả tại thời điểm 30/9 đạt 27.105 tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm và chiếm tới 77,4% tổng tài sản. Trong đó, cơ cấu nợ chủ yếu là nợ dài hạn với 23.790 tỷ đồng và nợ ngắn hạn chỉ ở mức 3.314 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ đạt 425 tỷ đồng.

Nợ vay của doanh nghiệp ghi nhận 20.835 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả là Ngân hàng Vietinbank với các khoản vay ngắn cũng như dài hạn lên đến 19.456 tỷ đồng, tương đương chiếm 93% tổng nợ vay của doanh nghiệp.

Cụ thể, về khoản vay ngắn hạn, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Đà Nẵng cho doanh nghiệp vay hơn 116 tỷ đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh với tài sản đảm bảo là cà vẹt xe ô tô, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà tại căn hộ Plaza và hình thức tín chấp.

Về khoản vay dài hạn, Đèo Cả vay Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội 4 khoản vay trị giá lần lượt là 2.500 tỷ đồng, 4.182 tỷ đồng, 4.800 tỷ đồng và 1.190 tỷ đồng. Cả 4 khoản vay trên đều được bảo đảm bằng quyền thu phí của dự án BOT với thời hạn vay dao động từ 15 đến 20 năm.

screenshot-2022-10-25-213843-1666708755.png

Về kết quả kinh doanh, Đèo Cả ghi nhận doanh thu tăng 24,5% lên mức 563 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ các trạm thu phí BOT chiếm 68% tổng doanh thu với gần 383 tỷ đồng, xếp sau là doanh thu hoạt động xây lắm ở mức 155,7 tỷ đồng và các khoản thu khác.

Theo đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng được cải thiện 22% so với cùng kỳ lên mức 257,5 tỷ đồng.

Ngược lại, doanh thu tài chính của Đèo Cả lại ghi nhận sụt giảm hơn 8 lần so với cùng kỳ xuống mức 1,9 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc quý III/2022 công ty bị hụt thu khoản cổ tức, lợi nhuận được chia của cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, lãi từ tiền gửi, tiền cho vay của doanh nghiệp cũng sụt giảm từ hơn 4,3 tỷ đồng xuống còn xấp xỉ 2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) của doanh nghiệp lại tăng vọt gần gấp đôi lên mức 165 tỷ đồng.

Một điểm sáng trong kết quả kinh doanh của Đèo Cả là trong quý III/2022 đã có lãi tại công ty liên doanh, liên kết đạt 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đang lỗ hơn 20 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Đèo Cả báo lãi 80,7 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Đèo Cả ghi nhận doanh thu đạt 1.478 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 239,8 tỷ đồng; lần lượt tăng 18,7% và 10% so với cùng kỳ.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 2.515 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 396 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 36% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã hoàn thành được 58% kế hoạch doanh thu và 60,5% mục tiêu lợi nhuận cho năm tài chính 2022.

Đèo Cả hiện là nhà đầu tư trực tiếp vào 5 dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng.

Trong đó có 4 dự án đã đưa vào khai thác bao gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả có tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng; Hầm đường bộ Phước Tượng Phú Gia 1.559 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Khánh Hoà 2.644 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng đang trong giai đoạn thu xếp vốn để triển khai.

Chia sẻ thêm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong báo cáo tài chính, Đèo Cả cho biết doanh nghiệp đã hoàn thành các gói thầu thi công cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện doanh nghiệp đang tập trung thi công các hạng mục liên quan đến phần nền đường của các tuyến cao ốc.