Hơn 1,1 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money sau gần 6 tháng thí điểm

Sau gần 6 tháng thí điểm Mobile Money cho phép thanh toán qua tài khoản viễn thông, đã có hơn 1,1 triệu người sử dụng, với giá trị thanh toán khoảng 370 tỷ đồng. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Đẩy mạnh phát triển Mobile Money" diễn ra vào ngày 11/5.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng, chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, các nhà mạng cho biết, khó khăn lớn nhất là xác thực người dùng qua định danh điện tử eKYC, đặc biệt là đối chiếu thông tin giữa số chứng minh thư cũ và căn cước công dân mới.

Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số Tổng Công ty viễn thông MobiFone cho biết: "Dịch vụ viễn thông ở Việt Nam đã xuất hiện khoảng gần 30 năm. Thông tin của khách hàng là những giấy tờ cũ. Chúng tôi kiến nghị các nhà mạng cần có sự kết nối cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư của Bộ Công an để xác định lại, soi chiếu giữa giấy tờ cũ và mới".

Mobile Money chủ yếu là các khoản thanh toán nhỏ, hướng tới người dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro phát sinh khi thực hiện giao dịch, các đơn vị cho biết đã tăng cường biện pháp bảo mật. "Chúng tôi sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện bất thường, có thể nhìn vào hành vi của người dùng, nếu thay đổi về vị trí khi thực hiện giao dịch và thấy bất thường thì ngăn chặn ngay từ hành vi đó", ông Trương Quang Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty dịch vụ số Viettel cho hay.

xmobile-money-2-jpg-pagespeed-ic-rlwrrevayk-3827-1652271036.jpeg Ảnh minh họa.

Về phát triển điểm kinh doanh, đến cuối tháng 3, hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.

Tính đến hết 31/3/2022, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán được thiết lập  là hơn 12.800 đơn vị, trong đó chủ yếu là các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục,… Tổng số lượng giao dịch đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp cho thấy việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ vẫn gặp phải một số khó khăn do dịch vụ Mobile Money là dịch vụ mới, trong giai đoạn đầu thí điểm cần phải tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng để tuyên truyền, quảng bá lợi ích của dịch vụ nhằm thu hút, tạo thói quen cho khách hàng. Đồng thời, việc phát triển điểm kinh doanh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tốn khá nhiều nguồn lực do khoảng cách địa lý và số lượng doanh nghiệp tại các khu vực này còn hạn chế.

Để đảm bảo việc triển khai dịch vụ Mobile Money được an toàn và hiệu quả, tăng được số người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ cũng như tăng trưởng về giá trị giao dịch, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Ông Lê Anh Dũng kỳ vọng trong thời gian tới đây, Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, cộng hưởng và bổ trợ cho các dịch vụ ngân hàng hiện có.

Hội thảo cũng đưa ra nhiều kiến nghị khác, như mở rộng hạn mức giao dịch lên trên 10 triệu đồng/tháng, cho phép liên thông giữa các nhà mạng, hoặc cho phép cung cấp mộ số dịch vụ mới để thuận lợi hơn cho người dùng, giúp dịch vụ này tạo sức cạnh tranh với các hình thức thanh toán khác.