
Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị các thương vụ M&A bất động sản tại Việt Nam đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ nhất ở các phân khúc nhà ở, khu công nghiệp và bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng.
Sóng ngầm chuyển nhượng dự án
Trong nửa đầu năm 2025, thị trường ghi nhận nhiều thương vụ chuyển nhượng nghìn tỷ. Nổi bật là một số thương vụ lớn từ khối ngoại như CapitaLand (Singapore) mua lại 25 ha đất thuộc phân khu Hải Đăng trong Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên) từ Vinhomes để phát triển dự án thấp tầng The Fulton với tổng mức đầu tư 800 triệu USD.
Hay Keppel (Singapore) đã bán 42% cổ phần Công ty Nam Rạch Chiếc (chủ đầu tư dự án Palm City tại Thủ Đức, TP.HCM) cho Gateway Thủ Thiêm - một thành viên của Hướng Việt Holdings với giá trị 2.612 tỷ đồng. Sau thương vụ, Gateway Thủ Thiêm đã chính thức góp mặt tại dự án Palm City. Trước đó, Keppel cũng thoái 70% cổ phần tại dự án Saigon Sports City (64ha, Thủ Đức), với giá trị lên tới gần 7.500 tỷ đồng, cho hai đối tác nội là HTV Đại Phước và Vinobly.
Bên cạnh chuyển động của nhóm doanh nghiệp ngoại, một điểm đáng chú ý trong cuộc đua M&A bất động sản nửa đầu năm 2025 là hoạt động tích cực của các doanh nghiệp nội.
Theo đó, Tập đoàn Sun Group đã mua lại lô đất A1 - 2 rộng 2,5 ha tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) từ CTX Holdings để phát triển tổ hợp Sun Felia Suites. Hay Sunshine Group đã thâu tóm 55 ha đất thuộc Khu đô thị sinh thái Văn Giang (tên thương mại Alluvia City) từ Xuân Cầu Holdings. Tại Bình Dương, Bcons đã chi 1.200 tỷ đồng để mua lại dự án cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers (1,88ha, TP. Thuận An), sau đó đổi tên thành The New Point.

Tập đoàn Novaland - một trong những “ông lớn” bất động sản đang tái cấu trúc mạnh - cũng ghi dấu bằng loạt thương vụ bán vốn: chuyển nhượng 19% vốn tại Công ty TNHH Thành phố Aqua - chủ đầu tư dự án Aqua City (hơn 100 ha) thuộc đại đô thị cùng tên có tổng quy mô 1.000 ha tại Biên Hòa (Đồng Nai) với giá trị chuyển nhượng là 973 tỷ đồng; chuyển nhượng hơn 7,6% tại Công ty TNHH địa ốc No Va Mỹ Đình và giảm tỷ lệ nắm giữ tại nhóm công ty liên quan gồm Công ty bất động sản Đỉnh Phát, Công ty 350, Công ty CQ89, Công ty Thạnh Mỹ Lợi với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, đường đua M&A dự án đang xuất hiện thêm một số tên tuổi mới. Gần nhất vào đầu tháng 7, Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha đã chi hơn 2.400 tỷ đồng mua 48,43 triệu cổ phiếu VCR, tương đương 23,06% vốn điều lệ của Vinaconex ITC - chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà (tên thương mại là Cát Bà Amatina).
Từ những thương vụ nói trên, có thể thấy thị trường chuyển nhượng dự án bất động sản trong năm 2025 đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Các nhà đầu tư, cả nội lẫn ngoại, đang tận dụng thời điểm thị trường hồi phục, pháp lý thông thoáng hơn và lãi suất ở mức hợp lý để gom quỹ đất, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nhiều thương vụ chờ “điểm nổ” nửa cuối năm
Với những bước tạo đà trong nửa đầu năm, hoạt động M&A bất động sản trong nửa cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục có thêm nhiều thương vụ lớn khi một số doanh nghiệp vẫn đang có kế hoạch thoái vốn tại một số dự án để cơ cấu lại hoạt động, giảm áp lực tài chính…
Đơn cử như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vào cuối tháng 6 đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR của Vinaconex ITC, tương ứng 51% vốn điều lệ với giá bán tối thiểu là 48.000 đồng/cổ phiếu để thu về ít nhất là 5.140 tỷ đồng. Đến ngày 9/7, Vinaconex công bố đăng ký bán 107,1 triệu cổ phiếu VCR trong khoảng thời gian từ 14/7 đến 13/8 nhằm cơ cấu lại khoản đầu tư. Nếu thoái vốn tại Vinaconex ITC thành công, Vinaconex sẽ chính thức rút chân khỏi dự án Cát Bà Amatina - dự án đã “chôn” vốn của tập đoàn này suốt nhiều năm.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, lãnh đạo Vinaconex cho biết, dự án Cát Bà Amatina đã hoàn thành cơ bản hạ tầng, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trong năm 2025. Trong năm nay, Vinaconex sẽ bán buôn một phần dự án để đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận. Theo lãnh đạo Vinaconex, hiện Vinaconex ITC "đã có đối tác" nhưng chưa ký chính thức với bất kỳ đối tác nào và công ty đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) gần đây cũng công bố đã được UBND tỉnh Hà Nam (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở Lam Hạ Center Point tại phường Lam Hạ, TP.Phủ Lý (nay thuộc phường Hà Nam). Đối tác nhận chuyển nhượng là một đơn vị có tiềm lực tài chính và đã có kinh nghiệm triển khai nhiều công trình quy mô lớn.Dự kiến sau khi hoàn tất chuyển nhượng, DIC Corp có thể ghi nhận doanh thu hơn 1.114 tỷ đồng.
Tương tự, Bất động sản Phát Đạt đang tìm đối tác để chuyển nhượng chuyển nhượng 94% cổ phần nắm giữ tại công ty con đang thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp tại số 1 Ngô Mây, TP. Quy Nhơn (tên thương mại là Q1 Tower).
Bên cạnh đó, Phát Đạt đang hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 80% vốn tại dự án Thuận An 1 và 2 cho một đối tác nước ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt, đây là một nhà đầu tư rất lớn, rất đặc biệt, có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam và hiếm khi hợp tác với doanh nghiệp nội địa.

Hiện dự án Thuận An 1 đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu phần móng và hoàn tất toàn bộ thủ tục pháp lý, sẵn sàng mở bán trong năm nay. Dòng tiền từ thương vụ dự kiến sẽ được giải ngân từ tháng 11/2025. Còn dự án Thuận An 2 sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2026. Tổng giá trị hai dự án khoảng 5.200 tỷ đồng. Như vậy, với việc chuyển nhượng 80%, Phát Đạt dự kiến thu về hơn 4.000 tỷ đồng, giữ lại 20% cổ phần. Sau khi thanh toán các khoản vay liên quan, Phát Đạt vẫn có thể còn lại hơn 2.000 tỷ để tái đầu tư.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng đang có kế hoạch chuyển nhượng dự án án, như CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC dự kiến sẽ chuyển nhượng khu chung cư lô H thuộc dự án khu dân cư ADC (quận 7, TP.HCM) với giá không thấp hơn 800 tỷ đồng và chuyển nhượng phần diện tích đã đền bù tại dự án Khu đô thị mới Nhà Bè (TP.HCM) với giá tối thiểu 2 triệu đồng/m².
Hay CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco) đã thông qua việc thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn tất việc chuyển nhượng hơn 24,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 37,37% vốn tại CTCP Đầu tư Xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu, đơn vị sở hữu dự án Khu du lịch Đại Dương tại TP. Vũng Tàu (tên thương mại là Antares) cho CTCP Tư vấn, Đầu tư và Thương mại Tân Cương. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng chuyển nhượng 6,38 triệu cổ phiếu còn lại, tương ứng 9,9% vốn điều lệ tại Đầu tư Xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu cho đối tác…
Với loạt thương vụ đang chờ “điểm nổ”, triển vọng thị trường chuyển nhượng bất động sản nửa cuối năm 2025 được dự báo vẫn khả quan, nhất là khi pháp lý tiếp tục được tháo gỡ, dòng vốn (bao gồm vốn từ nhà đầu tư ngoại) dồi dào, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện... Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng từ sự dẫn dắt của phân khúc bất động sản nhà ở đô thị, làn sóng chuyển nhượng sẽ lan sang các phân khúc khác khi thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.