Chứng khoán Rồng Việt lỗ khi "ôm" HSG và VNM

Kết quả kinh doanh của Chứng khoán Rồng Việt đã kém sắc, do những biến động bất lợi của thị trường đã tác động đến mảng tự doanh và môi giới.

Kết thúc quý IV/2024, VN-Index tăng 12,11% so với cuối năm 2023 nhưng giảm 1,64% so với quý liền trước. Giá trị thanh khoản bình quân mỗi phiên giao dịch trong quý IV chỉ đạt 16.742 tỷ đồng, thấp nhất trong 4 quý năm 2024 và giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Diễn biến này đã kìm hãm hiệu quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán, trong đó có CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - HoSE: VDS).

Theo Chứng khoán Rồng Việt, những biến động bất lợi của thị trường đã tác động đến doanh thu ở hầu hết các mảng kinh doanh của công ty, nhất là ở tự doanh và môi giới. Việc thực hiện đánh giá lại các khoản đầu tư cuối kỳ đã làm giảm doanh thu và tăng chi phí dự phòng. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp báo lỗ quý cuối năm.

Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động trong quý IV của Chứng khoán Rồng Việt đạt 150 tỷ đồng, giảm 17 9% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu từ hoạt động đầu tư tự doanh giảm tới 97% cùng kỳ chưa đến 1 tỷ đồng. Song lỗ từ các tài sản chính FVTPL lại ghi nhận 32 tỷ đồng.

Đến cuối quý IV/2024, danh mục FVTPL của công ty có giá trị gốc 1.027,5 tỷ đồng, cao hơn 35 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Thời điểm cuối năm 2024, công ty đang lãi 77,5 tỷ đồng ở danh mục này.

Chứng khoán Rồng Việt lỗ khi

Danh mục đầu tư của Chứng khoán Rồng Việt.

Chi tiết về danh mục FVTPL, Chứng khoán Rồng Việt đang lãi hơn 27 tỷ đồng khi đầu tư vào MWG, lãi 17,6 tỷ đồng từ CTG, lãi 16 tỷ đồng từ ACB và các cổ phiếu khác đang lãi gần 49 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu VNM chuyển từ lãi 8 tỷ đồng ở cuối quý III sang lỗ 6,4 tỷ đồng ở cuối quý IV/2024. Chứng khoán Rồng Việt cũng tạm lỗ hơn 19 tỷ đồng ở mã HSG.

Thời điểm 31/12/2024, danh mục AFS của công ty có giá trị gốc 492 tỷ đồng, giá thị trường 530 tỷ đồng. Tương ứng, Chứng khoán Rồng Việt đang lãi danh mục này 38 tỷ đồng, trong khi quý III vừa qua công ty chỉ lãi hơn 40 tỷ đồng và quý II lãi hơn 13 tỷ đồng.

Khoản sinh lời ở danh mục AFS chủ yếu từ mã KDH khi công ty lãi 45,6 tỷ đồng, song Rồng Việt lại lỗ hơn 9 tỷ đồng với mã KBC.

Những cú bắt tay của các Những cú bắt tay của các "ông lớn" tại Chứng khoán Rồng ViệtĐỌC NGAY

Bên cạnh mảng tự doanh, Doanh thu môi giới của Chứng khoán Rồng Việt cũng giảm gần 30% so với cùng kỳ về mức 41 tỷ đồng.

Trái chiều, mảng cho vay và phải thu của Chứng khoán Rồng Việt đã tăng 16% lên 103 tỷ. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại thời điểm 31/12/2024 của công ty là 2.526 tỷ đồng, giảm 17% so với quý trước nhưng tăng 13% tỷ đồng so với đầu năm.

Trừ đi các chi phí, công ty báo lỗ 21 tỷ đồng ở quý IV/2024, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 74 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp đi lùi của Chứng khoán Rồng Việt sau quý thắng lớn đầu năm.

Luỹ kế cả năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận 949 tỷ đồng doanh thu và 286 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 26% và giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023.

So với mục tiêu đề ra, công ty chứng khoán này đã hoàn thành 98% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Tại thời điểm cuối tháng 12/2024, tổng tài sản của Chứng khoán Rồng Việt ở mức 6.361 tỷ đồng, mở rộng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Phần chênh lệch chủ yếu từ lượng tiền và tương đương tiền khi tăng 365 tỷ đồng so với đầu năm và tài sản AFS tăng gần 320 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, năm 2024 Rồng Việt đã tăng vốn góp của chủ sở hữu từ 2.100 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng, qua việc trả cổ tức cổ phiếu. Song vay nợ ngắn hạn từ 190 tỷ lên 392 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngân hàng trong nước.