Tận dụng các các cơ chế hợp tác sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Séc lên 5 tỷ USD

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Cộng hòa Séc lần này nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm mức mới. Thủ tướng cũng đề nghị hai nước tận dụng các các cơ chế hợp tác sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD và nâng vốn đầu tư của Séc vào Việt Nam đạt 2-3 tỷ USD trong thời gian tới.

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Séc, sáng 20/1 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Prague, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Séc. Cùng dự diễn đàn có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hoà Séc.

dien-dan-dau-tu-viet-nam-sec-3-1737378567.jpg Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Séc. (Ảnh TTXVN)

Sau 75 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam-Séc phát triển tốt đẹp. Trong đó, quan hệ kinh tế, thương mại song phương phát triển vượt bậc. Séc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu, trong khi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Séc trong ASEAN.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước gần đây có tăng trưởng mạnh, năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Hiện Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư là 91 triệu USD tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy-toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác không ngừng được phát triển và củng cố

Tại diễn đàn, hai bên điểm lại tình hình hợp tác kinh tế Việt Nam-Séc, trong đó, nhận định quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Séc chưa tương xứng với quan hệ chính trị giữa hai nước, cũng như chưa tương xứng với mong muốn, cũng như tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi nước.

Hai bên giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu hợp tác của mỗi bên; đặc biệt, thảo luận, đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là các ngành như cơ khí, luyện kim, năng lượng, vận tải, lao động, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, đặc biệt là các ngành mới nổi như đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kết nối giao thông vận tải, khai khoáng.

Các đại biểu mong muốn hai chính phủ xem xét mở đường bay thẳng Việt Nam-Séc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thương, hợp tác du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân.

dien-dan-dau-tu-viet-nam-sec-1-1737378542.jpg Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Séc. (Ảnh TTXVN)

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong 75 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam-Séc không ngừng được phát triển và củng cố. Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng, hết sức quý báu cả về vật chất và tinh thần của nhân dân Séc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước sau này, đặc biệt Séc công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Séc là dân tộc thiểu số của Séc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Cộng hòa Séc lần này nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm mức mới, thiết thực kỷ niệm 75 năm quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Séc, Việt Nam đã chính thức đơn phương miễn thị thực cho công dân Séc vào Việt Nam, trước mắt là trong năm 2025.

Phân tích tình hình, những khó khăn, thách thức, thời cơ, thuận lợi và xu hướng phát triển xanh hóa, đa dạng hóa, số hóa của thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

dien-dan-dau-tu-viet-nam-sec-2-1737378683.jpg Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng trong thời gian tới, lĩnh vực đầu tư giữa hai nước sẽ có những đột phá mang tính chiến lược. (Ảnh TTXVN)

Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, với mục tiêu cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn tại Việt Nam.

Việt Nam thúc đẩy phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó chủ trương thu hút đầu tư vào các ngành năng lượng xanh, hạ tầng xanh, chống biến đổi khí hậu; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.

Hiện Việt Nam đang tích cực thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông với Séc, trong đó có việc nối lại tuyến đường sắt, đặc biệt thúc đẩy đường bay thẳng từ Việt Nam tới Séc, theo hình thức một cung đường nhiều điểm đến.

Kỳ vọng lĩnh vực đầu tư giữa hai nước sẽ có những đột phá mang tính chiến lược

Xuất phát từ sự tin cậy chính trị cao, khát vọng vươn cao trên cơ sở hòa bình và phát triển, chia sẻ những giá trị về cộng đồng cốt lõi trong xã hội, nền kinh tế và thị trường mang tính bổ trợ lẫn nhau…, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không gian hợp tác phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư hai bên rất lớn; đề nghị doanh nghiệp hai nước hợp tác, kết nối tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là trong các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây, an ninh mạng, y sinh học, quang học… tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và các các cơ chế hợp tác khác, sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD và nâng vốn đầu tư của Séc vào Việt Nam đạt 2-3 tỷ USD trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng trong thời gian tới, lĩnh vực đầu tư giữa hai nước sẽ có những đột phá mang tính chiến lược, nhất là trong những lĩnh vực then chốt mà hai bên cùng quan tâm, dành ưu tiên như công nghiệp ôtô, công nghiệp có tính nền tảng, giao thông vận tải, năng lượng; qua đó làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối với nhau, kết nối hai nền kinh tế, kết nối đầu tư, kết nối thương mại, với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”, “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện có hiệu quả thực” góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Séc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; quan hệ hai nước sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

dien-dan-dau-tu-viet-nam-sec-4-1737378777.jpg Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Séc. (Ảnh TTXVN)

Ngay sau Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết các thoả thuận hợp tác về đào tạo, biểu diễn âm giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Bohemian Prague; thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Câu lạc bộ Công an Hà Nội và Câu lạc bộ Slavia Prague về đào tạo cầu thủ trẻ, trao đổi chuyên môn kỹ thuật, và tổ chức các trận giao hữu quốc tế./.