Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Từ kinh nghiệm một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam

(PLBQ). Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở nên phức tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển công nghệ 4.0. Các hành vi xâm phạm về SHTT đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, tinh vi hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet. Vì vậy việc nghiên cứu từ cách làm thành công của các quốc gia về bảo hộ SHTT, sẽ giúp chúng ta có những giải pháp hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghi...
1-1688367918.jpg

Chỉ số đo lường quyền SHTT của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng…

Sở hữu trí tuệ góp phần tăng giá trị cho DNVVN

Nếu như ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm hơn 98% số lượng doanh nghiệp hiện có; thì ở các quốc gia trên thế giới, DNNVV cũng được ví là “xương sống” của nền kinh tế. Tại châu Âu cũng không phải ngoại lệ, đã từng có thời điểm, các DNNVV đại diện cho 99% tổng số doanh nghiệp hoạt động tại khu vực kinh doanh phi tài chính EU28, thu hút 67% số lượng lao động và đóng góp 57% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này. Các DNVVN thành công thường bắt nguồn từ việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền SHTT và mở rộng thị trường quốc tế. Báo cáo nghiên cứu chung “Các doanh nghiệp tăng trưởng cao và quyền sở hữu trí tuệ” do Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) công bố hồi tháng 5/2019 đã minh chứng điều đó.

Báo cáo nghiên cứu cho biết: Các DNNVV nộp ít nhất một đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT có khả năng tăng trưởng 21% trong ba năm tiếp theo và 10% khả năng trở thành doanh nghiệp tăng trưởng cao (DNTTC). Các kết quả tương tự cũng thu được khi phân tích chỉ tập trung vào việc sử dụng trước các bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu. Ví dụ, khả năng một doanh nghiệp trở thành DNTTC cao hơn 9% khi đã nộp ít nhất một đơn đăng ký sáng chế trong ba năm trước đó và cao hơn 13% đối với những doanh nghiệp đã nộp ít nhất một nhãn hiệu. Các phân tích sâu hơn còn cho thấy khả năng trở thành DNTTC cao hơn 17% đối với các doanh nghiệp đã nộp ít nhất một đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại Châu Âu (nước ngoài), trong khi cơ hội trở thành DNTTC cao đối với những doanh nghiệp chỉ nộp đơn đăng ký bảo hộ trong nước chỉ là 6%. EUIPO còn cho biết, các DNVVN sở hữu quyền kiểu dáng công nghiệp có doanh thu trên mỗi nhân viên cao hơn 17% so với các doanh nghiệp không sở hữu quyền kiểu dáng công nghiệp…

Khả năng đạt được tăng trưởng cao hơn, nếu DNNVV tiến hành đăng ký một tập hợp nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng thay vì chỉ đăng ký bảo hộ một quyền SHTT. Tập hợp các kết quả cuối cùng nêu bật tính bổ sung hiện có giữa các loại quyền SHTT khác nhau và sự phù hợp đối với các DNNVV trong việc kết hợp sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp để hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động kinh doanh. Các DNNVV sử dụng nhiều nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp có nhiều khả năng trải qua thời kỳ tăng trưởng cao hơn so với các doanh nghiệp chỉ dựa vào một loại quyền SHTT. Một tập quyền SHTT trong đó có đăng ký nhãn hiệu sẽ tự động đóng vai trò nổi bật hơn các nhóm quyền SHTT khác và các quyền SHTT riêng biệt, do đó, nghiên cứu kiến nghị nhãn hiệu là nền tảng tạo dựng cơ bản các quyền SHTT hiệu quả. Điều này có thể bởi thực tế rằng đăng ký nhãn hiệu thường liên quan tới việc tiếp cận thị trường và do đó, làm tăng doanh thu…

Như vậy việc nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT châu Âu là một chỉ số tích cực về sự sẵn sàng của DNNVV nhằm nâng hoạt động kinh doanh theo chuẩn Châu Âu. Điều đáng lưu ý là, các DNNVV không đơn độc trong hành trình bảo hộ SHTT để làm gia tăng giá trị tăng trưởng (?)

Châu Âu: DNVVN được hỗ trợ nâng cao năng lực về SHTT

Để giúp cho các DNVVN có nhiều cơ hội tăng trưởng cao trở thành “xương sống” của nền kinh tế, tại châu Âu, vấn đề hỗ trợ SHTT cho các DNVVN rất được quan tâm. Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một loạt những chính sách hỗ trợ về SHTT, như: Nền tảng dịch vụ đặc biệt hỗ trợ SHTT miễn phí (còn gọi là Horizon IP Scan); Bộ phận hỗ trợ về SHTT châu Âu. Ưu điểm của của công cụ Horizon IP Scan, được xây dựng trên một mạng lưới rộng lớn gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm trên khắp châu Âu, tư vấn, đánh giá tài sản trí tuệ để từ đó giúp các doanh nghiệp có thể nhận diện, bảo vệ, quản trị tài sản trí tuệ hiện có của mình ngay từ khi bắt đầu tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển với các đối tác khác. Với nền tảng dịch vụ này, sẽ giúp các công ty khởi nghiệp và các DNVVN khác tham gia vào các dự án hợp tác nghiên cứu do EU tài trợ, để quản lý và định giá tài sản trí tuệ một cách hiệu quả.

Trong khi đó với mục tiêu chính giúp nâng cao năng lực cho các DNVVN về SHTT trên phạm vi toàn diện, từ nhận thức, bảo hộ, đến sử dụng và khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, bộ phận hỗ trợ về SHTT châu Âu ra đời đã làm tốt dịch vụ SHTT tuyến đầu cung cấp hỗ trợ các vấn đề SHTT trong thương mại xuyên quốc gia. Dịch vụ này cung cấp nhiều loại tài liệu, thông tin, dịch vụ qua đường dây tư vấn để hỗ trợ trực tiếp về SHTT cũng như đào tạo tại chỗ và trực tuyến. Bên cạnh đó, bộ phận hỗ trợ SHTT châu Âu còn cung cấp thông tin, tư vấn cho các nhà nghiên cứu và các DNVVN khi tham gia vào các dự án nghiên cứu do EU tài trợ, cũng như các DNVVN khi tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ quốc tế.

Được biết đến thời điểm này, có bốn bộ phận chuyên biệt hỗ trợ các DNVVN của châu Âu ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Các bộ phận hỗ trợ đa ngôn ngữ này cung cấp các dịch vụ miễn phí bao gồm tư vấn về việc đăng ký quyền SHTT cho các đối tượng như sáng chế, nhãn hiệu hoặc bản quyền, quản lý tài sản trí tuệ, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cung cấp thông tin và đào tạo về các chủ đề liên quan đến SHTT. Song song với việc ban hành những chính sách, các công cụ, dịch vụ hỗ trợ SHTT cho các DNVVN, Ủy ban Liên minh Châu Âu cũng thực hiện những biện pháp giám sát, phân tích, đánh giá hiệu quả các công cụ hỗ trợ bằng các bảng điểm đánh giá, dự án khảo sát, báo cáo của các chuyên gia. Từ kết quả phân tích, đánh giá này, Ủy ban Liên minh Châu Âu xây dựng kế hoạch phát triển các dịch vụ hỗ trợ SHTT một cách phù hợp, hiêu quả.

Theo báo cáo Trung tâm Chính sách đổi mới toàn cầu thuộc Phòng Thương mại Mỹ về “Chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế 2022”, Singapore đứng đầu danh sách gồm 55 quốc gia, vùng lãnh thổ với 97,22 điểm (trên thang điểm 100). Đứng đồng hạng 2 là các nước gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ. Các nước, vùng lãnh thổ đồng hạng 6 gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Đài Loan (Trung Quốc), với 91,67 điểm.

2-1688367918-1688387061.jpg

Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Hàn Quốc: Ban hành chính sách hỗ trợ thương mại hóa sáng chế

Song song với việc thúc đẩy đăng ký sáng chế, từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách hỗ trợ thương mại hóa sáng chế, ví dụ như Chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm mẫu cho những sáng chế/giải pháp hữu ích (SC/GPHI) có tiềm năng thương mại hóa cao (là những SC/GPHI được đánh giá là vượt trội cả về công nghệ lẫn tiềm năng thương mại). Chương trình này được triển khai trong giai đoạn từ 1982 - 2011, những SC/GPHI được chọn tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ thiết kế 3D và sản xuất sản phẩm mẫu trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Đối tượng được phép tham gia Chương trình là nhà sáng chế cá nhân (có kế hoạch thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp) hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có bằng SC/GPHI được đánh giá là vượt trội cả về mặt công nghệ lẫn thương mại nhưng không đủ tài chính để sản xuất sản phẩm mẫu. Ngoài ra, nhà sáng chế cá nhân và DNNVV sẽ được ưu tiên hơn nếu đáp ứng được một trong những điều kiện sau: (i) DNNVV có cơ chế chi thưởng cho nhân viên là tác giả của SC/GPHI mà DNNVV được hưởng lợi từ việc áp dụng SC/GPHI này; (ii) Nhà sáng chế cá nhân là người có công, người khuyết tật, phụ nữ; (iii) Nhà sáng chế cá nhân hoặc DNVVN đã được nhận hỗ trợ từ các chương trình của Cơ quan SHTT Hàn Quốc (KIPO).

Chương trình được hỗ trợ 70% đến 90% chi phí từ nguồn ngân sách sản xuất sản phẩm mẫu, 10% đến 30% chi phí còn lại do ứng viên tự chi trả. Đối với những sáng chế phức tạp mà việc xây dựng sản phẩm mẫu đòi hỏi một nhóm nhà cung cấp dịch vụ, Chương trình sẽ lựa chọn các nhà cung cấp  từ nhiều lĩnh vực khác nhau (máy móc, điện, điện tử, hóa học, sinh học, v.v.) theo công nghệ cần thiết để sản xuất sản phẩm mẫu. Do việc thanh toán được trả trực tiếp cho nhà cung cấp dịch vụ vì vậy điều này cho phép minh bạch hóa việc chi tiêu ngân sách để thuận lợi cho quá trình vận hành và quản lý Chương trình…

Những khuyến nghị cho Việt Nam

Đến thời điểm này, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình như CPTPP, EVFTA đã nâng cao mức bảo hộ quyền SHTT hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay. Mới nhất, Hiệp định RCEP cũng đã đưa SHTT vào thành một chương trong cam kết giữa các bên, khiến bảo hộ SHTT giờ đây không còn là một sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Trong khi đó theo Viện Phát triển doanh nghiệp, hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản SHTT cho doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hiện nay. Báo cáo chỉ số SHTT quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, chỉ số đo lường quyền SHTT của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp…

Từ kinh nghiệm các quốc gia Châu Âu và Hàn Quốc, theo chúng tôi ngay từ bây giờ câu chuyện bảo hộ SHTT ở Việt Nam đối với các DNVVN (hiện chiếm hơn 98% trong số hơn 780.000 doanh nghiệp) cần phải tiến hành đồng thời cả 2 giải pháp, đó là: Bên cạnh sự tự thân vận động của chính doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ kịp thời với vai trò “bà đỡ” từ phía các cơ quan có chức năng của Nhà nước và các tổ chức khác.

1. Cần loại bỏ tư duy: “Mất bò mới lo làm chuồng”

Chủ sở hữu doanh nghiệp Việt Nam, nhất là DNNVV ở giai đoạn đầu, thường có tư tưởng chưa cần thiết để thực hiện biện pháp bảo vệ vì không có tranh chấp, nếu đăng ký bản quyền, sử dụng dịch vụ pháp lý… sẽ tốn kém. Các vấn đề tối ưu thường tập trung cho sản xuất, sáng tạo, thường coi nhẹ vấn đề pháp lý bảo vệ bản quyền. Song khi có tranh chấp dẫn đến khó khăn trong thu thập chứng cứ. Câu chuyện cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, gạo ST25… là điển hình quyền SHTT của Việt Nam bị xâm hại tại thị trường nước ngoài. Chúng ta sẽ phải còn chứng kiến những bài học đắt giá về việc doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, thậm chí bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước, nếu như từ bây giờ các doanh nghiệp không loại trừ tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”.

3-1688367910.jpg

Hội thảo giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác quyền SHTT

Sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế và quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ tài sản vô hình của mình, nhất là khi tham gia sân chơi chung phải xác lập quyền của mình theo quy định của luật. Bởi khi được bảo vệ quyền SHTT, doanh nghiệp không chỉ được bảo hộ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hợp pháp, mà còn có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi, bảo đảm giá trị pháp lý đối với giá trị gia tăng. Doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần có thói quen đăng ký bảo hộ quyền SHTT trong và ngoài nước. Cụ thể như bảo hộ quyền SHTT, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…

Nói cách khác muốn vươn ra “biển lớn”, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải khắc sâu khuyến nghị ví von của chuyên gia thuộc Văn phòng WIPO Singapore, Peter Willimott: “Bảo hộ sở hữu trí tuệ giống như chiếc vali đựng hành lý đi nước ngoài nhưng không khoá, nên việc mất đồ bên trong vali là chuyện không tránh khỏi. Vì thế, khi xuất khẩu doanh nghiệp cần khoá bản quyền của mình lại. Điều quan trọng doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu ở cả Việt Nam và nước ngoài để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình để tránh rủi ro”.

Bảo hộ nhãn hiệu thông qua việc đăng ký mang lại 05 lợi ích cho các DNVVN, gồm: (i) Tạo ra độc quyền cho chủ sở hữu đã đăng ký để ngăn không cho các bên thứ ba tiếp thị các sản phẩm hoặc dịch vụ giống hệt hoặc tương tự dưới một nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn; (ii) Các nhãn hiệu đã đăng ký dễ thực thi hơn vì chúng thường mang một quyền sở hữu có căn cứ; (iii) Nhãn hiệu là một trong số các tài sản lâu dài nhất của doanh nghiệp. Một nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký có thể tồn tại trong một thời gian rất dài, miễn là nó được sử dụng và gia hạn; (iiii) Nhãn hiệu có thể được bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng. Bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu mang lại nguồn thu nhập tiềm năng cho chủ sở hữu quyền; (iiiii) Một nhãn hiệu đã được bảo hộ có thể dùng để xin tài trợ từ các tổ chức tài chính.

(Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN)

 2. Tại sao không “Horizon IP Scan” Việt Nam

Nếu công cụ Horizon IP Scan được xây dựng trên một mạng lưới rộng lớn gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm trên khắp Châu Âu, tư vấn, đánh giá tài sản trí tuệ để từ đó giúp các doanh nghiệp có thể nhận diện, bảo vệ, quản trị tài sản trí tuệ hiện có của mình ngay từ khi bắt đầu tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển với các đối tác khác; thì ở Việt Nam, tại sao không khi các DNVVN thực hiện bảo hộ SHTT cũng sẽ tìm thấy một nền tảng dịch vụ miễn phí mang tên “Horizon IP Scan” tương tự được xây dựng trên mạng lưới rộng khắp bao gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước…

Đến nay liên quan đến bảo hộ quyền SHTT, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng, như: Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030… Gần đây nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí rất cao. Tuy nhiên trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các DNVVN phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với những yêu cầu chặt chẽ về các quy định liên quan đến SHTT, nhất là quy trình đăng ký bảo hộ SHTT. Vì vậy rất cần có những chính sách, công cụ hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT để góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh, tạo động lực phát triển nền kinh tế quốc dân.

3. Và một chính sách thương mại hóa sáng chế

Ý nghĩa của chính sách hỗ trợ thương mại hóa sáng chế ở Hàn Quốc là nhà nước hỗ trợ các nhà sáng chế, DNNVV có sở hữu bằng sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao tạo ra được sản phẩm mẫu thử nghiệm để từ đó có thể giới thiệu đến người mua tiềm năng (có thể là tổ chức công hoặc các doanh nghiệp khác có nhu cầu mua, ứng dụng, khai thác sáng chế). Người mua tiềm năng tiếp cận sản phẩm mẫu, đánh giá tính khả thi, tính phù hợp, nếu được sẽ đặt mua hay thương mại hóa sáng chế đó. Có nghĩa trước khi kết nối với người mua tiềm năng, nhà sáng chế, DNNVV đã phải có sản phẩm mẫu trong tay và để làm bước này thì Nhà nước sẽ hỗ trợ. Đối với những nhà sáng chế cá nhân, DNNVV không có tiềm lực tài chính, thì chính sách hỗ trợ thương mại hóa sáng chế sẽ là “bệ phóng” gia tăng việc tạo ra các sản phẩm mới cho cộng đồng cũng như phát huy tính sáng tạo của các tổ chức cá nhân đơn lẻ.