Xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam bắt nhịp xu hướng xanh để bứt tốc xuất khẩu

Hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ trên thế giới, hiện các hội chợ triển lãm ngành hàng gỗ lớn đã có ở Việt Nam. Năm 2025, ngành gỗ Việt Nam có những bước chuyển mình "xanh hóa" để bứt tốc xuất khẩu.
xuat-khau-go-2-1738386180.jpg Năm 2024, ngành gỗ không chỉ hoàn thành các mục tiêu mà còn tạo nên kỷ lục mới. (Ảnh minh họa)

Ngành gỗ không chỉ hoàn thành các mục tiêu mà còn tạo nên kỷ lục mới

Nhìn lại năm 2024, ngành gỗ và nội thất bước đứng trước "đề bài" khó là lấy lại đà tăng trưởng sau khi trải qua giai đoạn "chạm đáy" của năm 2023 - năm đầu tiên trong lịch sử tăng trưởng xuất khẩu âm. Song với sự chủ động của doanh nghiệp, hiệp hội trong đổi mới phương thức sản xuất, quản trị, xúc tiến thương mại, ngành gỗ không chỉ hoàn thành các mục tiêu mà còn tạo nên kỷ lục mới.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,3 tỷ USD; trong đó riêng gỗ và sản phẩm gỗ đóng góp 16,25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Như vậy, kim ngạch xuất gỗ và đồ gỗ năm 2024 đã lập thêm kỷ lục mới, vượt gần 500 triệu USD so với kỷ lục 15,8 tỷ USD đạt được vào năm 2022. Những con số trên là thành quả đặc biệt ấn tượng trong bối cảnh ngành gỗ gặp nhiều khó khăn kéo dài từ năm 2023.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết ngành gỗ Việt Nam đạt kết quả xuất khẩu ấn tượng nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại các thị trường lớn.

Cụ thể như Hoa Kỳ, vẫn chiếm vị trí số 1 cho xuất khẩu ngành gỗ. Năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng, đã tạo động lực quan trọng cho xuất khẩu gỗ tăng trưởng tại thị trường này. Ngành gỗ cũng mở rộng hiện diện tại các thị trường mới như UAE, Ấn Độ. Tiếp theo là thị trường EU.

Dù đạt kết quả khả quan, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng ngành gỗ vẫn đối mặt nhiều thách thức như kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, nguy cơ gian lận thương mại, áp lực cạnh tranh khu vực và biến động kinh tế toàn cầu. Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ ngày càng thắt chặt yêu cầu về xuất xứ, đòi hỏi doanh nghiệp cải thiện kiểm soát chuỗi cung ứng. Cạnh tranh khu vực từ Indonesia, Thái Lan và Malaysia gia tăng, trong khi nguy cơ suy thoái kinh tế có thể giảm nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ trên thế giới, hiện các hội chợ triển lãm ngành hàng gỗ lớn đã có ở Việt Nam. Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ là ngành tích tực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng với các quy định của các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ,…

xuat-khau-go-1-1738386169.jpg Ngành gỗ Việt Nam đạt kết quả xuất khẩu ấn tượng nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại các thị trường lớn. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, phân tích kể từ sau đại dịch COVID-19, tình hình thế giới nhiều biến động khi cạnh tranh thương mại khốc liệt; xung đột chính trị, quân sự diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại hàng hoá quốc tế bao gồm cả ngành gỗ và nội thất. Bên cạnh việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, doanh nghiệp ngành gỗ cũng đối diện áp lực kép về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thực tế đó vừa là thách thức cũng là cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện nội lực thông qua nâng cấp hệ thống quản trị, đầu tư máy móc thiết bị để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

"Trong bối cảnh thương mại liên tục biến động, tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn phổ biến ở nhiều thị trường, kết quả xuất khẩu năm 2024 vượt hơn cả kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy nội lực và khả năng vượt khó của ngành gỗ và nội thất Việt Nam. Đây nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam vững vàng đối diện những thách thức mới, khai thác hiệu quả cơ hội sắp tới," ông Nguyễn Liêm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, mức độ tăng trưởng giữa các doanh nghiệp không đồng đều. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng vượt trội. Dù chỉ chiếm chưa đến 20% về số lượng nhưng doanh số của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 50% toàn ngành. Riêng khối doanh nghiệp nội địa cũng chia làm hai nhóm khác biệt, có doanh nghiệp tăng trưởng cao cũng có những doanh nghiệp còn khó khăn, chưa tìm được cơ hội trong làn sóng phục hồi.

Về thị trường, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Woodsland, chỉ ra điểm sáng trong sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu gỗ và nội thất là việc giữ vững được thị trường Mỹ.

Đến nay, Mỹ tiếp tục là thị trường gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm. Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy đây là thị trường có quy mô lớn nhưng cũng đòi hỏi ngày cao về chất lượng, thời gian giao hàng và giá cả cạnh tranh.

Nhờ đổi mới phương thức quản trị sản xuất, tiết giảm chi phí tốt, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Ngoài Mỹ thì Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có mức tăng trưởng cao nhờ nhu cầu phục hồi và lượng hàng tồn kho đã xuống thấp.

Ở một khía cạnh khác, song song với việc chinh phục thị trường quốc tế, ngành gỗ và nội thất Việt cũng cần khai thác hiệu quả thị trường nội địa để tạo nên thế cân bằng, ổn định cho hoạt động sản xuất.

Triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Ông Ngô Sỹ Hoài cho hay Bộ Nông nghiệp đề ra mục tiêu cho xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2025 là đạt 18,5-19 tỷ USD; trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,5-18 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Để đạt được kết quả con số xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2025, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, các hội chợ triển lãm về gỗ, sản phẩm phẩm gỗ trong và ngoài nước được các doanh nghiệp, hiệp hội địa phương tham gia tích cực, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp miền Nam. Trong khi các doanh nghiệp phía Bắc tham gia không nhiều.

Do đó, ông Ngô Sỹ Hoài đề nghị các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp làng nghề tham gia các hội chợ nhiều hơn.

xuat-khau-go-3-1738386244.jpg Triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho rằng ngành gỗ và nội thất Việt Nam đã cơ bản xây dựng được nền tảng nội lực, cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các khu vực tiềm năng mới, và tận dụng hiệu quả các kênh thương mại điện tử.

Với yêu cầu ngày càng cao về sản xuất xanh và bền vững, từng doanh nghiệp phải tích cực hơn trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và liên kết xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, đáp ứng truy xuất nguồn gốc gỗ. Tăng cường sử dụng gỗ hợp pháp, nguyên liệu tái chế, và giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.

Song song đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, duy trì đà tăng trưởng bền vững và cải thiện thị phần trên quy mô toàn cầu.

Ông Trần Quang Bảo nhận định: Yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam, sẽ là “chìa khoá” cho ngành gỗ xuất khẩu bền vững trong dài dài hạn. Bởi vì, nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC)./.