Rà soát thị trường, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Sáng 13/1, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại TP.HCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời, thực hiện công tác bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
131-1736761904.jpg Buổi làm việc về công tác chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, diễn ra sáng ngày 13/1 tại TP.HCM.

Đi đầu về chất lượng, giá cả, đảm bảo nhà nhà đều được sắm Tết

Sở Công Thương TP.HCM sẽ phối hợp Cục Quản lý thị trường Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xúc tiến thương mại; Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở An toàn thực phẩm; các công ty thực phẩm và nhà phân phối lớn của TP.HCM.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, về đảm bảo nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên Thành phố triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực. Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Chương trình mở ra cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm có quy trình sản xuất minh bạch, an toàn; đồng thời góp phần ngăn chặn sản phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng Thành phố.

Bên cạnh đó, báo cáo công tác bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngay khi kết thúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, căn cứ Quy chế, Sở Công Thương phối hợp Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ngành tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 và Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 với sự tham gia của 69 đầu mối các chuỗi cung ứng (tăng 10 doanh nghiệp so năm 2023); phần lớn là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.

Chương trình Bình ổn thị trường năm nay có sự kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình lớn của Thành phố như kích cầu đầu tư, kết nối cung cầu, khuyến mãi tập trung...; đồng thời, Chương trình bổ sung hình thức tham gia hỗ trợ như: hỗ trợ giá thuê mặt bằng, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng bình ổn thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu… qua đó hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm đầu ra, ổn định sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

So với năm 2023, Chương trình mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng, cụ thể: bổ sung mặt hàng nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser...) vào nhóm các mặt hàng phục vụ học tập; bổ sung nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa...

Chính vì vậy, chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 - 2025 tiếp tục đeo bám mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Trong đó, Chương trình Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường với chủ đề “Kết nối tiêu dùng – Lan tỏa yêu thương” được tổ chức luân phiên các địa bàn với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối, thanh toán...; nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng với hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%.

1311-1736762390.png Chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Chủ động chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung ứng hàng hoá cho mùa Tết Ất Tỵ 2025

Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng,... chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, vàng, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, bia, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống… Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nắm chắc địa bàn từ khâu vận chuyển, tàng trữ, mua bán... hàng hóa.

Về công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.

Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả... Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ nếu có.

Về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Ất Tỵ năm 2025, Sở Công Thương cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở An toàn Thực phẩm, các đơn vị liên quan phối hợp các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, cung ứng, nắm chắc tình hình sản xuất tại vùng nguyên liệu…; xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa Tết…

Về hoạt động phân phối hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm,…

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…

Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.

Về giá cả, giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết.

1312-1736762633.jpg Nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.

Bên cạnh đó, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm; các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.

Ngoài ra, Sở Công Thương TP.HCM sẽ triển khai các hệ thống bán lẻ: Thiết kế và cung cấp các gói quà Tết thuần Việt, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng và thị hiếu người tiêu dùng; ưu tiên các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm đặc sắc; Đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá đặc biệt cho các sản phẩm hàng Việt Nam, sản phẩm thiết yếu, hàng bình ổn thị trường; Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp sản xuất trong nước để đảm bảo nguồn cung ổn định, giá cả hợp lý; Triển khai hiệu quả Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm); kịp thời chia sẻ thông tin nhà cung cấp vi phạm cam kết chất lượng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông tại điểm bán, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt, ưu tiên mua sắm sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.

Các sàn thương mại điện tử cũng được triển khai tổ chức các gian hàng Tết với chủ đề phù hợp, ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng, nhằm bổ sung nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết; đẩy mạnh thông tin, quảng bá các chương trình khuyến mại, ưu đãi đến người tiêu dùng để khuyến khích mua sắm trên sàn thương mại điện tử, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trong dịp Tết; đồng thời kiểm soát chất lượng sản phẩm kinh doanh trên sàn, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thông tin về một số giải pháp trọng tâm từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, căn cứ Chỉ thị 12/CT-BCT, trước tình hình hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường, đặc biệt vào mùa Tết Nguyên đán; nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như vật dụng trang trí, lương thực, thực phẩm, bánh, kẹo…; Sở Công Thương đã triển khai các đơn vị tập trung các giải pháp: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu mua sắm Tết của người lao động, góp phần ổn định thị trường và nâng cao đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Cục Quản lý thị trường Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra: hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; các cơ sở kinh doanh, kho hàng, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, đồ trang trí Tết; công tác kê khai giá, niêm yết giá, phòng chống tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không chứng từ…/.