Trần Lân

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất cần “vòng Kim cô”

Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, nêu Đề án thành lập “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chân rết - cấp tỉnh”, là chuẩn. Trên cơ sở tổ chức nhân sự liêm chính, kiêm nhiệm; nhân sự sẵn có ở địa phương tham gia Ban Chỉ đạo.
https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/1975860-quang-canh-buoi-lam-viec-13212402-7502-1654252972.png
 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta sẽ thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức nhân sự kiêm nhiệm. Tuyệt đối không lợi dụng tổ chức tân Ban Chỉ đạo này, để “đẻ” thêm biên chế số người làm nhiệm vụ văn thư, đánh máy, lái xe, trực tổng đài, bảo vệ… cho đến việc thu hồi, lấy đất để xây dựng “hoành tráng” trụ sở Ban Chỉ đạo…

Đặc biệt công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay cần có tầm cao từ “gốc đến ngọn”. Một thí dụ cụ thể dễ hiểu, khi cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam bị can vụ tham nhũng về đất đai chẳng hạn; thì đã thuộc phần “ngọn”.

Còn thuộc phần “gốc”, do Luật Đất đai hiện hành quy định đền bù sơ hở, khiến dư luận nhân dân nói vui là “trâu chui lọt”, không hài hòa khi thu hồi đất (xem nội dung bài viết kiến nghị Quốc hội quy định đền bù “trung bình cộng” trong Luật Đất đai, được đăng tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh, ngày 12/5/2022). Như vậy công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, cần tiến hành từ “gốc” là việc sớm hiệu chỉnh, bổ sung quy định đền bù trong Luật Đất đai nêu trên; đến “ngọn” là việc phát hiện, tích cực điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can tham nhũng đất đai.

Do đó tôi kiến nghị Đảng, khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, cũng có tầm nhìn chỉ đạo “từ gốc đến ngọn”. Ban Chỉ đạo và các  cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến thật rõ ràng, rành mạch cho toàn thể nhân dân thấu đáo về bản đồ lãnh thổ địa phương, quy hoạch dài hạn, ổn định đất nông, lâm nghiệp từ đâu, đến đâu… để tránh tình trạng cò mồi, vẽ quy hoạch ma, lừa đảo người mua ruộng, mua đồi… rồi dẫn đến tham nhũng, tiêu cực…

Hoặc phần “ngọn”: Ban Chỉ đạo có tư duy đổi mới, không “hà tiện” khung hình phạt cao nhất đối với bị cáo phạm tội tham nhũng, nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1000.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5000.000.000 đồng trở lên (theo Bộ Luật Hình sự hiện hành, điều 354, khoản 4, mục a và mục b).

Khơi dậy tinh thần “Bao Thanh Thiên” của Tòa án. Đừng sai lầm đinh ninh rằng, khoan hồng không tử hình tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ trị giá lớn đến khung hình phạt, mức án tử hình là “nhân đạo, nhân văn”… Bởi vì như câu nói nổi tiếng, rất ấn tượng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, đại ý rằng: “Người nhiệt tình lao động quá, nhưng mà dốt, sẽ thành kẻ phá hoại…”. Trở lại hiện tại, tội tham nhũng, nhận hối lộ hoặc gây thiệt hại tài sản lớn (nêu trong điều 354, Bộ Luật Hình sự), thì rõ ràng là tội ác tày trời rồi.

Thế nên nếu hữu khuynh, khoan hồng, không tử hình tội phạm này, sẽ mất hẳn tác dụng răn đe. Dẫn đến kẻ khác cũng sẽ có thể tham nhũng thành tội ác; rồi cũng sẽ thoát án tử hình. Như vậy sẽ hệ quả là tội ác chồng chất tội ác. Và nguy hiểm hơn, sẽ làm lung lay, ảnh hưởng sự tồn vong chế độ Chính trị, Xã hội nước ta. Do đó nếu không tử hình (bị cáo tham nhũng đến khung hình phạt tử hình), thì sao lại là “nhân đạo, nhân văn” được?

Cho nên chúng ta phải tử hình kẻ tham nhũng (đến mức khung hình phạt tử hình), sẽ có tác dụng răn đe rất cao, để góp phần giảm thiểu tội ác không chồng chất tội ác, mới là nhân đạo, nhân văn. Còn tất nhiên, đối với trường hợp kẻ tử tù (do tham nhũng, nhận hối lộ, hoặc gây thiệt hại về tài sản), xin nộp lại đủ số tiền, vật chất, hoặc bồi thường tài sản; thì Tòa án có thể xét giảm khung hình phạt xuống tù chung thân. Tránh tái diễn giảm khung hình phạt xuống tù 14, 15, 20 năm… thì tính răn đe không còn.

Trở lại Đề án “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh”, được ví như “Thanh bảo kiếm” địa phương. Song chúng ta cũng không chủ quan loại trừ có “Thanh bảo kiếm đến ngày bị rỉ”, có thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực tập thể Ban Chỉ đạo... Bưng bít bê bối ở địa phương…

Vì vậy, kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý (không cho rằng vượt cấp), đơn thư quần chúng (có ghi họ tên, địa chỉ chính xác, số điện thoại rõ ràng), phát hiện, tố cáo tham nhũng, tiêu cực ở địa phương họ. Ngoài ra đối với các Bộ và cơ quan ngang Bộ ở Trung ương, cũng cần thành lập Ban Chỉ đạo (cấp Bộ), để góp phần tạo nên “vòng Kim cô” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay./.