Phòng ngừa gian lận, lừa đảo trong mở và sử dụng tài khoản ngân hàng

NHNN cho biết, việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Chủ tài khoản có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định này.

lam-the-online3-1659695752.jpg

Mới đây, cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đăng tải văn bản ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định chặt chẽ hơn trong việc mở tài khoản ngân hàng cho các cá nhân (một người mở nhiều tài khoản dẫn tới việc lợi dụng sơ hở để lừa đảo, vi phạm các quy định của Nhà nước).

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay, quy định về mở và sử dụng tài khoản ngân hàng đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh.

Cụ thể, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) đã quy định cụ thể việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (gồm hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản; quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các hành vi bị cấm trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán).

Theo đó, hồ sơ mở tài khoản thanh toán đối với cá nhân gồm: Giấy đề nghị mở tài khoản, thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy khai sinh, thị thực nhập cảnh đối với cá nhân,...

Hợp đồng mở và sử dụng tài khoản: có nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên, phạm vi sử dụng tài khoản thanh toán và các trường hợp từ chối lệnh thanh toán của chủ tài khoản,...

Về quyền, nghĩa vụ của chủ tài khoản: Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình; Không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình; Không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán: Có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có bằng chứng về việc giao dịch thanh toán nhằm rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; Có nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ngoài ra, Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “Mở hoặc duy trì tài khoản nặc danh, mạo danh”.

Các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến mở, sử dụng tài khoản thanh toán

Về các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến mở, sử dụng tài khoản thanh toán, NHNN cho biết, tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ đã quy định cụ thể các mức xử phạt đối với các hành vi mở và sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, các hành vi vi phạm gồm: Mở, sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán; Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán;) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán; Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: Sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đặc biệt, Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai trái pháp luật thông tin về tài khoản ngân hàng.

Như vậy, việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Căn cứ các quy định nêu trên, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và chủ tài khoản có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; chủ tài khoản không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật hiện hành.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo toàn ngành trong việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an trong trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán, thông tin báo cáo giao dịch đáng ngờ để cơ quan công an xử lý nhiều vụ việc gian lận, phạm tội liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Tuệ Minh