Gỡ rào cản thị thực để hút khách du lịch quốc tế

Năm 2022, Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực đã vượt qua chỉ tiêu của họ.

Hụt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022

Theo ông Chris Farwell, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỉ lệ cao người dân được tiêm chủng. Tuy nhiên, Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này. Năm 2022, Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách quốc tế và tạo ra tổng thu khoảng 4,5 tỷ USD. Trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Du lịch châu Á sau Covid-19.

Cụ thể, Thái Lan đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 16 tỷ USD. Trong hai tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid-19. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid-19.

Theo ông Chris Farwell, Việt Nam có thể mừng khi số khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người, nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch. Trước dịch Covid-19, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 18,3 tỷ USD trong số 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra.

Kinh tế - Gỡ rào cản thị thực để hút khách du lịch quốc tế

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, cũng cho biết, năm 2019, tuy lượng khách quốc tế chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng doanh thu từ thị trường này chiếm tới 55%. Khách quốc tế thường chiếm tỉ trọng cao trong tổng lượng khách sử dụng các sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của Sun Group.

Tại hệ thống các khách sạn, resort cao cấp do Sun Group đầu tư ở các điểm đến du lịch nổi tiếng như: InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng); JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort (Phú Quốc), Hôtel de la Coupole - MGallery (Sa Pa, Lào Cai)…, khách quốc tế thường chiếm tỷ trọng lên đến 50 - 60% tổng lượng khách đặt chỗ hằng năm. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn sau Covid-19, tỉ lệ này chỉ còn xấp xỉ khoảng 10%, ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu doanh nghiệp cũng như nền kinh tế địa phương.

Tương tự, dù báo cáo tài chính 2022 ghi nhận mức doanh thu thuần gấp 4 lần 2021, lãi ròng gấp hàng chục lần nhưng Công ty CP dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất - SASCO vẫn chưa thể trở về mức kết quả kinh doanh như trước dịch và chỉ tương đương hơn 53% lãi năm 2019. Đại diện SASCO khẳng định thị trường khách quốc tế phục hồi chậm gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Dù đã phải xoay xở dồn lực đổi mới hoàn toàn hệ thống sản phẩm phục vụ khách trong nước và ghi nhận tốc độ phát triển vượt bậc nhưng doanh thu từ khách quốc nội cũng chỉ có thể "choàng" qua được khoảng 30 - 40% khoảng trống từ khách quốc tế.

"Khách quốc nội chỉ có thể bù lại bằng số đông, còn mức chi tiêu không cách nào so sánh được. Một khách quốc tế sẵn sàng chi 30.000 USD cho 1 chiếc túi xách hàng hiệu hay chai rượu mười mấy ngàn USD ở sân bay, nhưng khách nội địa rất hiếm. Chưa kể, khách trong nước họ sẽ không đi lại liên tiếp các điểm đến trong 2 năm liền. E rằng sau năm 2022 bùng nổ bù lại cho thị trường quốc tế, du lịch nội địa 2023 sẽ hạ nhiệt. Vì thế, bằng mọi giá phải lấy lại khách quốc tế để du lịch phục hồi", vị này cảnh báo.

Chính sách Visa vẫn là “nút thắt cổ chai”

Sau khi thất bại với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022, ngay từ đầu năm 2023 ngành du lịch đã dồn dập triển khai nhiều chương trình kích cầu, quảng bá, nhận diện đủ khó khăn và lên chiến lược bài bản cho mục tiêu tăng trưởng hơn 100% - đón 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Thời điểm đó, nhiều ý kiến lạc quan còn cho rằng ngành du lịch hãy mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn bởi nếu so với con số hơn 18 triệu lượt khách đến Việt Nam thời điểm trước dịch 2019, con số này không có gì quá lớn lao. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc - thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam đã rục rịch mở cửa và kỳ vọng sẽ bùng nổ vào mùa du lịch hè. Thế nhưng, ngành du lịch Việt Nam lại tiếp tục bị giáng một cú sốc khi danh sách 20 quốc gia mà chính phủ Trung Quốc cho phép tổ chức tour outbound, không có tên Việt Nam.

Đáng nói, trong khi từ doanh nghiệp đến các chuyên gia, tất cả những người làm du lịch ở Việt Nam còn đang hoang mang chưa hiểu chuyện gì xảy ra, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế bỗng trở nên lung lay, thì Thái Lan đã nhanh chóng đón 1,38 triệu khách Trung Quốc chỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Trước đó, chính phủ Thái Lan dự kiến đón ít nhất 5 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc trong năm nay, với khoảng 300.000 lượt khách trong quý đầu tiên. Vậy mà chỉ chưa đầy 1 tháng dịp Tết, lượng khách đã vượt mục tiêu gần 5 lần. Lưu ý rằng năm 2022, Thái Lan đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế nhưng thực tế đạt hơn 10 triệu khách. Năm nay, đất nước mà Việt Nam luôn đặt mục tiêu cạnh tranh dự kiến đón tới 25 triệu khách nước ngoài sau những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Indonesia, Malaysia, Maldives, Singapore… cũng đang ra sức cạnh tranh nhằm hút dòng khách từ thị trường "khổng lồ" này.

Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, điều Thái Lan vượt trên Việt Nam không phải ở Bangkok hay nhiều điểm đẹp, mà là chính sách visa thông thoáng, sự nhạy bén và luôn lấy khách hàng làm trung tâm để phát triển du lịch. Việt Nam cũng nên có chính sách visa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, như kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, đẩy mạnh cấp visa tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế, mở rộng thêm quốc gia được miễn visa.

Là một đơn vị chuyên đón khách Pháp, bà Thái Thị Thanh Lan (Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Đông Dương - VietIndo Travel) nêu thực trạng: "Khách vẫn ngại về vấn đề visa, làm E-visa dù tiện lợi hơn nhưng vẫn là một thủ tục rườm rà nên người ta ngần ngại. Đối tượng khách nhiều tuổi khó có thể tự làm visa mà vẫn phải liên lạc với đại lý hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại các nước. Thủ tục vẫn phải chờ đợi, nhiều trường hợp kết quả chậm hơn thời hạn và đó cũng là rào cản. Bất cập nữa là các đoàn khách đi dài hơn 15 ngày sẽ ngày càng ít hơn, vì họ cố gắng đi trong khoảng được miễn visa".

"Khách Tây Âu thường đi du lịch từ 2-3 tuần, kết hợp nhiều nước lân cận. Việt Nam chỉ miễn visa cho một số nước Tây Âu trong 15 ngày, như vậy là bắt khách phải cắt ngắn hành trình, bắt họ giảm chi tiêu, lưu trú ở Việt Nam. Hoặc khách đang ở Đông Nam Á muốn sang Việt Nam chơi nhưng ngần ngại về visa, nên họ chuyển sang nước khác để giảm bớt thủ tục. Chúng ta hay nói đã khôi phục chính sách visa về thời điểm trước dịch, nhưng như thế là lạc hậu. Sự thật năm 2023 thị trường du lịch khác rất nhiều so với năm 2019, cạnh tranh khủng khiếp hơn nhiều và hành vi du khách đã thay đổi", ông Phạm Hà phân tích.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

PGS.TS Phạm Trương Hoàng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cũng khẳng định sự khốc liệt trong cạnh tranh thu hút khách quốc tế tại châu Á hiện nay. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến châu Á - Thái Bình Dương phục hồi chậm nhất thế giới, chỉ ở mức 23% so với năm 2019. Như vậy miếng bánh thị trường đã bé hơn nhiều, Việt Nam và các nước khác chỉ còn "chia nhau" một phần nhỏ. Đơn cử Thái Lan đủ sức đón 40 triệu khách quốc tế năm 2019 thì năm 2022 chỉ phục vụ 28% năng lực, với hơn 11 triệu khách. Như vậy là hạ tầng du lịch dư thừa còn rất lớn.

Trong bối cảnh các nước "tranh giành" thị trường, PGS.TS Phạm Trương Hoàng nhận định: "Cuộc cạnh tranh rất cam go nên Thái Lan cho thấy họ thực sự nhạy bén. Ví dụ khi có tín hiệu mở cửa từ thị trường Trung Quốc, họ điều chỉnh chính sách rất nhanh để thu hút, có vướng mắc được dỡ bỏ chỉ trong 24 giờ. Các nước đều linh hoạt để tiến lên, chúng ta chậm là mất cơ hội. Trước khi có chiến thuật hiệu quả hơn đối thủ thì ít nhất phải bằng họ đã".

"Sự im ắng của du lịch Việt Nam thời gian qua cho thấy các công cụ truyền thống đã giảm tác dụng. Giảm giá chỉ là giải pháp ngắn hạn vì sản phẩm không giảm mãi được. Còn xúc tiến, quảng bá không phải là công cụ mạnh trong ngắn hạn, nếu áp dụng trong điều kiện thị trường đang bị thu hẹp hiệu quả càng hạn chế. Vì vậy phải có công cụ và giải pháp mới, cần những cú hích mạnh hơn. Công cụ visa phải thực sự được xem xét thật nhanh. Trong khi chúng ta ngồi đây thì ngành du lịch các nước đang cạnh tranh quyết liệt", PGS.TS Phạm Trương Hoàng phân tích.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB), thì cho rằng du lịch Việt Nam gặp bất lợi vô hình trung lại đang tạo ra cơ hội bứt phá rất lớn cho các nền du lịch đối thủ cạnh tranh.

Theo ông Nam, do lúng túng và chậm trễ điều chỉnh các chính sách nhập cảnh nên thời điểm mới mở cửa hậu Covid-19, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội bật lên trước đón dòng khách quốc tế trở lại. Trong suốt 1 năm qua, chúng ta tiếp tục nhường cơ hội cho các nước khác. Đến khi Trung Quốc mở cửa, những lợi thế lớn nhất của Việt Nam là vị trí địa lý, nằm top thị trường truyền thống lớn được người dân Trung Quốc ưa chuộng, giá cả cạnh tranh… hiện cũng đang đứng trước nguy cơ đánh mất. Chưa kể về nội tại, Việt Nam trước nay vẫn thua kém về độ mở thị trường và nguồn đầu tư cho phát triển du lịch.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong năm 2023, sự trở lại của thị trường Trung Quốc sẽ mang đến cơ hội lớn cho các điểm đến Đông Nam Á. Tuy nhiên việc khách Trung Quốc chọn điểm đến nào sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: sự sẵn sàng và giá vé máy bay, chính sách visa và quy định Covid-19.

"UNWTO đã chỉ rõ cách thức thu hút khách Trung Quốc. Để thu hút khách từ châu Âu thì cơ bản cũng là như vậy. Việc xin thị thực dù có thể kinh phí nhỏ nhưng vẫn là khách phải trả, thủ tục họ chịu và thời gian họ mất. Chúng ta phải đứng ở góc độ du khách để đánh giá", PGS.TS Phạm Trương Hoàng nói.

Đánh giá của PGS.TS Phạm Trương Hoàng hay doanh nhân Phạm Hà cũng tương tự những kiến nghị của Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong Sách Trắng 2023. Theo đó EuroCham nhận định, chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi miễn thị thực. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm.

"Khi so sánh với các quốc gia ASEAN khác, Việt Nam hiện đang ít hơn về số quốc gia được miễn thị thực khi mới chỉ thực hiện miễn cho 25 quốc gia. Hơn nữa, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam (15 ngày) cũng ngắn hơn nhiều so với thời hạn được cấp cho khách du lịch ở các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên). Điều này không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch" – báo cáo nêu.

Theo EuroCham, chính sách hiện tại của Việt Nam yêu cầu phải có thị thực trước khi khởi hành/thị thực nhập cảnh/thị thực điện tử là nghiêm ngặt, cùng với thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này, đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu, vốn là tệp khách hàng chi tiêu cao. Danh sách các quốc gia được miễn thị thực cần được mở rộng hơn nữa để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và hoàn thành vai trò là một ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.

Tóm lại về chính sách thị thực nhập cảnh & thủ tục hành chính, EuroCham đưa ra 4 khuyến nghị cho Việt Nam gồm: Mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực được công bố với thời hạn chương trình miễn thị thực mới trong 5 năm. Cấp thị thực du lịch 3 tháng cho những du khách châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với mức chi tiêu cao. Miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự kiện thể thao.

Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, VOV, BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam)