Cần thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, rau quả Việt Nam hướng tới kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD năm 2025

Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 7,2 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước tới nay, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023. Bước nhảy vọt này đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành hàng rau quả trong những năm tiếp theo trên hành trình hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

Nội dung trên được chia sẻ tại Tọa đàm "Tương lai xanh cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam: Sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn" do Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức ngày 8/1. Diễn đàn có sự tham dự của các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sản xuất rau quả.

xuat-khau-rau-hoa-qua-1-1736345923.jpg Tọa đàm Tương lai xanh cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam: Sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn do Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức ngày 8/1.(Ảnh CTV)

Rau quả Việt Nam trên hành trình hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để sản xuất rau, hoa, quả và đang từng bước ghi dấu ấn trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng tầm giá trị, xây dựng được thương hiệu cho rau, hoa, quả Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ khâu sản xuất đến xúc tiến thương mại.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu rau, quả lớn của khu vực.

Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 7,2 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước tới nay, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023. Bước nhảy vọt này đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành hàng rau quả trong những năm tiếp theo trên hành trình hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngành hoa Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng ấn tượng. Với điều kiện khí hậu thuận lợi và sự đa dạng trong chủng loại, Việt Nam đã trở thành nguồn cung ứng hoa tươi chất lượng cao cho nhiều quốc gia.

Bước nhảy vọt này đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành hàng rau quả trong những năm tiếp theo trên hành trình hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Từ đó có thể thấy, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu rau, quả lớn của khu vực.

xuat-khau-rau-hoa-qua-3-1736345954.jpg Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 7,2 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước tới nay, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023.(Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2021-2026, thị trường hoa Việt Nam dự kiến tăng trưởng kép với tốc độ trên 11%/năm. Mặc dù vậy, với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, việc nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với rau, quả là vô cùng cần thiết.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (Vinafruit), việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu hóa học trong nông nghiệp truyền thống gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng cao, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp cấp bách và mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất hữu cơ như đất đai, khí hậu, nguồn lao động dồi dào. Khi áp dụng phương pháp canh tác này, chúng ta không chỉ bảo vệ môi trường sống xanh, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, không khí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra những giá trị gia tăng bền vững. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn nhiều khó khăn cần vượt qua như thiếu vốn, thiếu kiến thức và chưa có hệ thống chứng nhận hữu cơ hoàn thiện.

Tôi khẳng định những lợi ích mà sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn mang lại là không thể phủ nhận. Sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà còn là tương lai cho nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam – nhấn mạnh.

Về lĩnh vực hoa, bà Mai Hồng, Điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam chia sẻ, trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với các loại các loại cây trồng khác, biên độ lợi nhuận có thể đạt từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/ha mỗi năm.

xuat-khau-rau-hoa-qua-5-1736345910.jpg Với điều kiện khí hậu thuận lợi và sự đa dạng trong chủng loại, Việt Nam đã trở thành nguồn cung ứng hoa tươi chất lượng cao cho nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, so với rau, quả, vấn đề sản xuất an toàn trong ngành hoa ít được quan tâm hơn do nhận thức hoa không phải thực phẩm, không ăn trực tiếp vào người thì không độc hại. Các biện pháp bảo vệ thực vật phi hóa chất như màng lưới, nhà kính, thiên địch…chưa được ứng dụng rộng rãi do chi phí cao.

“Thực tế, hoa không phải là thực phẩm nhưng là sản phẩm tiếp xúc gần với con người, việc sản xuất thiếu an toàn, lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thì nông dân trồng hoa chịu ảnh hưởng trước tiên, sau đó là người tiêu dùng. Thách thức đối với người trồng hoa Việt Nam là thiếu kiến thức, nhận thức về mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính cũng là rào cản lớn trong việc đầu tư cho mô hình nông nghiệp an toàn, bền vững,” bà Mai Hồng đặt vấn đề.

Việt Nam cần thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, ưu tiên chất lượng thay vì số lượng

Các chuyên gia dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2025 sẽ đạt mức 8 tỷ USD, tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Với những nỗ lực không ngừng, ngành rau quả Việt Nam có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD/năm trong thời điểm năm 2030, sánh ngang với ngành thủy sản hiện nay.

Hiện nay ngoài sầu riêng, nhiều loại trái cây khác như chuối, mít, xoài, nhãn, vải thiều, thanh long cũng có tiềm năng xuất khẩu lớn và sẽ được đẩy mạnh phát triển xuất khẩu tươi và chế biến đông lạnh, sấy khô...

Tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – Viện cây ăn quả miền Nam nhận định, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, chất lượng sản phẩm rau quả cần được chú trọng nâng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đang là 2 xu hướng phát triển bền vững được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ngành nông nghiệp nước ta phải tạo ra sản phẩm rau quả hữu cơ, không chứa chất độc hại như hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư, các kim loại nặng, bảo vệ tối đa sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời phát triển môi trường nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu lâu dài như xâm nhập mặn, hạn hán...

Theo ông Hồ Anh Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt chia sẻ, Đà Lạt là vựa hoa lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 10.000ha; trong đó, hơn 50% diện tích được ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao dùng nhà màng, nhà kính… Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu hoa khá khiêm tốn, khoảng 70-80 triệu USD/năm.

Theo ông Hồ Anh Dũng, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới, không chỉ với nông sản, thực phẩm và ở hầu hết các sản phẩm tiêu dùng khác, bao gồm cả hoa.

xuat-khau-rau-hoa-qua-2-1736346267.jpg Việt Nam có điều kiện thuận lợi để sản xuất rau, hoa, quả và đang từng bước ghi dấu ấn trên thị trường xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Để nâng cao kim ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu hoa, Việt Nam cần thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, ưu tiên chất lượng thay vì số lượng cũng như đa dạng chủng loại hoa khác nhau. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng cần được đổi mới để thu hút khách hàng hiệu quả.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, người tiêu dùng thế giới ngày càng ưu tiên các sản phẩm thực phẩm hữu cơ, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải… Tại Việt Nam đã có nhiều đề án, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ. Song để nhân rộng và phát triển bền vững cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, để phát triển sản xuất hữu cơ một cách bền vững, ngành nông nghiệp nước nhà cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả, và người nông dân cần được trang bị kiến thức và kỹ năng.

Cụ thể, các cơ quan hữu quan cần nâng cao nhận thức về lợi ích của sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đến mọi tầng lớp xã hội, các trang trại, hợp tác xã và từng nông dân sản xuất; hỗ trợ nông dân thông qua huấn luyện, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn vay ưu đãi để nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ.

Bên cạnh đó, tổ chức xét cấp chứng nhận minh bạch, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, tạo ra các thị trường ổn định cho sản phẩm hữu cơ; phát triển đầu tư nghiên cứu để tìm ra các giống cây trồng thích hợp, tìm ra các giải pháp hiệu quả phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam./.