Trần Lân

Bất động sản nghỉ dưỡng xanh: Đòn bẩy cho ngành công nghiệp không khói

Bước sang quý 2/2022, dự báo thị trường Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng xanh có thể hồi phục với mức độ tích cực tùy từng phân khúc cụ thể. BĐS nghỉ dưỡng xanh được xem là một hình thức mới để tạo đà cho sự tăng trưởng ngành du lịch.

Sau 2 năm chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, từ cuối năm 2021 thị trường du lịch bắt đầu bước vào đà hồi phục mạnh mẽ vào những tháng đầu năm 2022, một số điểm sáng như việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, chương trình “Hộ chiếu Vaccine” kỳ vọng thu hút lượng lớn khách quốc tế, góp phần thúc đẩy sự hồi phục của du lịch Việt Nam.

Từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế được mở cửa trở lại, những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện trên thị trường BĐS nhà ở TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Trong quý 1/2022, cùng với diễn biến sôi động của loại hình bất động sản nhà ở, đà phục hồi của BĐS nghỉ dưỡng trở nên rõ nét hơn. 

Theo số liệu thống kê của DKRA Vietnam, trong quý 1/2022 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến sự sôi động trở lại ở một số phân khúc như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự hồi phục kinh tế, khởi sắc du lịch, đây được xem là tiền đề cho sự phục hồi của thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong năm 2022 cũng như tạo động lực cho sự tăng trưởng của phân khúc này trong những năm tiếp theo.

Trong dòng chảy của xu thế kinh tế xanh và du lịch xanh ngày nay, các dự án công trình du lịch và BĐS du lịch nói riêng cũng không thể nằm ngoài mà đã, đang và sẽ tiếp tục phải góp phần lớn quan trọng vào việc kiến tạo, duy trì và phát triển du lịch xanh.

47-1648307196-bat-dong-san-xanh-len-ngoi-sau-dich-1650099306.jpg Không gian xanh tại các khu du lịch sẽ góp phần tạo sự thoải mái, thư giãn cho du khách. Ảnh minh họa.

Nhưng chính các dự án BĐS xanh vừa có tính phát triển và bảo vệ cho môi trường thiên nhiên mà còn mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế du lịch xanh, đồng thời hiệu quả cho chính dự án. Đó chính là các dự án hoà hợp với thiên nhiên.

Trao đổi với báo chí, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông, Tổng Công ty Lữ hành Saigontourist cho rằng, phát triển du lịch xanh đồng bộ sẽ là biện pháp phát triển du lịch bền vững. Bà Trà chia sẻ, không gian xanh giúp phục hồi khả năng tập trung, giải toả căng thẳng và nạp lại năng lượng khi con người mệt mỏi và kiệt sức. Bằng cách cho phép mình thưởng ngoạn cảnh quan xanh, âm thanh hoặc mùi vị của cây xanh, tâm trí của chúng ta sẽ có cơ hội nghỉ ngơi và hồi phục, thư giãn, tái tạo năng lượng tích cực.

Đặc biệt, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực và cả những lối sống quen thuộc sẽ buộc phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới, trong đó có ngành du lịch. Nhiều nhận định cho rằng, sắp tới khách du lịch sẽ thích và lựa chọn những không gian thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên, trải nghiệm năng lượng từ cỏ cây, hoa lá. Những khu nghỉ dưỡng dành nhiều phần đất cho không gian sinh thái, cho sinh hoạt ngoài trời và những khoảnh vườn đủ loại cây xanh, rau trái, hoa quả theo phương pháp hữu cơ cũng sẽ thu hút khách.

Chất lượng dịch vụ du lịch cũng như hoạt động tại các khu nghỉ dưỡng, lưu trú cũng đa dạng hơn khi khách có thể tự trải nghiệm trong không gian cây xanh, chăm sóc cây cối và hoa trái trong vườn… Cảm nhận được không khí trong lành, môi trường sống yên bình, có vườn rau và cả những cây ăn trái như xoài, dừa, mận, khách được trải nghiệm và thử món do các đầu bếp 5 sao thực hiện ngay tại khu nghỉ dưỡng.

Mô hình kinh doanh lưu trú hướng tới giá trị sinh thái tự nhiên đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên, ven biển, kế rừng với nhiều hoạt động gắn với mảng xanh đang là xu hướng du lịch mới. Du khách vẫn chấp nhận trả chi phí cao để được sống hoà minh trong thiên nhiên, nghe chim hót lúc bình minh, ngắm ánh hoàng hôn dịu nhẹ bên bờ biển hay ven sông, cảm nhận mùi hương tinh tế theo từng mùa của cây cỏ hoa lá và tận hưởng những dịch vụ đẳng cấp sẽ là xu hướng.

Như vậy, song song với những tín hiệu lạc quan về du lịch, tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điều chỉnh lãi suất ngân hàng,… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường nói chung phát triển sôi động trở lại.