Trần Lân

Masan Group dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2022 từ 6.900 - 8.500 tỷ đồng

Masan Group đã thận trọng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự kiến là 6.900 - 8.500 tỷ đồng, giảm từ 15,8% - 31,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong Đại hội đồng cổ đông năm 2022 diễn ra ngày 28/4 sắp tới, Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) dự kiến trình Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% so với thực hiện 2021. Tuy nhiên mục tiêu về lợi nhuận sau thuế lại đi lùi đạt 6.900 - 8.500 tỷ đồng, giảm từ 15,9% - 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông là từ 4.800 - 6.200 tỷ đồng, giảm từ 27,6% - 44%. 

fb2260d9071f3ca8f3bd4dc93ac4256a-1649677443.jpg Masan Group đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng năm 2022 giảm tới gần 32%. Ảnh: Masan Group

Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, doanh thu của Masan Group năm 2021 đạt 88.628 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông Masan Group đạt 8.563 tỷ đồng, gấp gần 7 lần năm ngoái. Lợi nhuận tăng đột biến là do công ty ghi nhận lãi từ chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi cho De Haus.

Trong các mảng kinh doanh của Masan Group, sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu - mảng nước mắm, nước tương Chinsu, mì Omachi tiếp tục là trụ cột khi đem về khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, tính trên doanh thu, mảng bán lẻ tiêu dùng mới là số một khi tiếp tục đem về hơn 30.000 tỷ đồng. Thế nhưng, báo cáo của Masan Group cho biết mảng bán lẻ tiêu dùng năm qua vẫn lỗ 1.446 tỷ đồng, sau khi năm 2020 lỗ 4.186 tỷ đồng.

wm-ky-2-thang-3-mien-bac-fa-page-11-ac7b0d6a-6d5b-4089-aab5-c105a0295d81-1649677308.jpg Mì Omachi tiếp tục là trụ cột khi đem về khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận cho Masan Group. Ảnh: Masan Group

Năm 2022, Masan Group kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trên tất cả các mảng kinh doanh. Động lực tăng trưởng đến từ các hoạt động đầu tư gần đây, điều kiện thị trường thuận lợi hơn, sức mạnh hiệp lực của nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp và hiện thực hóa nền tảng Point of Life. 

Masan Group dự kiến phát hành 142,37 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược hoặc chứng khoán chuyên nghiệp. Mệnh giá là 10.000 đồng/cp, thời gian thực hiện là trong năm 2022 hoặc cho đến trước Đại Hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Giá chào bán sẽ không thấp hơn trị giá sổ sách theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán của công ty. Số cổ phiếu trên sẽ bạn hạn chế chuyển nhượng 3 năm với nhà đầu tư chứng khoán đầu tư chiến lược và 1 năm với bên chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị theo mệnh giá 1.423 tỷ đồng. Công ty cũng sẽ phát hành tối đa 0,5% số đang lưu hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, giá phát hành là 10.000 đồng/cp.

Ngoài ra, Masan Group cũng dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền ra thị trường quốc tế. Giá dự kiến 100.000 USD/trái phiếu hoặc bội số của 1.000 USD, thời hạn 5 năm. Thời gian dự kiến phát hành là năm 2022 hoặc 2023 và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Mục đích phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư dự án của công ty, góp vốn vào công ty con, bổ sung vốn cho các hoạt động và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài. Masan dự kiến phát hành 5% số cổ phiếu đang lưu hành để chuyển đổi trái phiếu.