Trần Lân

Giao Thủy - Điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư

Sau 25 năm tái lập và phát triển, huyện Giao Thủy tiếp tục đạt nhiều thành tích quan trọng. Trong đó đặc biệt đã tạo được bước đột phá mới trong thu hút đầu tư nhờ các biện pháp đồng bộ đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; xoay chuyển vị thế địa kinh tế thành điểm xuất phát khi được đầu tư tuyến đường bộ ven biển.

Trải qua nhiều lần nhập, tách địa giới, thay đổi địa danh, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy luôn đoàn kết, đồng lòng hướng tới mục tiêu đạt kết quả cao nhất trong suốt chặng đường lịch sử trên 500 năm, khai hoang, lập đất, xây dựng quê hương. Đặc biệt, sau 25 năm tái lập và phát triển, huyện Giao Thủy tiếp tục đạt nhiều thành tích quan trọng. Trong đó đặc biệt đã tạo được bước đột phá mới trong thu hút đầu tư nhờ các biện pháp đồng bộ đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; xoay chuyển vị thế địa kinh tế thành điểm xuất phát khi được đầu tư tuyến đường bộ ven biển. 

giao-thuy-1648869844.jpg

Gia công đế và mũi giày dép tại Công ty TNHH Nice Power.

Ảnh: Thanh Thúy

Tháng 9-2020, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh đã được khởi công tại khu vực xã Giao An (Giao Thủy) với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến là 65,58km, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc ba huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Trục giao thông này khi hoàn thành sẽ kết nối thuận tiện với các địa phương trong và ngoài tỉnh bằng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (dự án đã được tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư). Việc triển khai thi công dự án không chỉ khắc phục nhược điểm về giao thông giúp Giao Thủy xoay chuyển vị thế đường “cụt” thành điểm đầu nhập tuyến đường bộ ven biển kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm năng động như Quảng Ninh, Hải Phòng.

Tiếp đà lợi thế các tuyến đường trọng điểm của tỉnh đem lại, Giao Thủy tăng tốc, đẩy nhanh lộ trình, tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, hàng loạt tuyến đường giao thông với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: đường Thiện Lâm, đường Cồn Nhì - Giao Thiện, đường Cồn Nhất - Chợ Vọng, đường Giao Tiến - Giao Thịnh... đang triển khai khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển. Đáng chú ý, huyện đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để làm cơ sở xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Trong đó, huyện đảm bảo đã chủ động cơ bản tất cả các quy hoạch liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng, bố trí, cung ứng quỹ đất phục vụ nhu cầu xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Huyện đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 2 Khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Hải Long khoảng 1.100ha, KCN Tân Thịnh khoảng 400ha. Đồng thời quy hoạch 11 cụm công nghiệp (CCN), với diện tích từ 50 đến 75ha mỗi cụm, trong đó đa số các CCN đều bám dọc tuyến đường ven biển. Trong đó: CCN Thịnh Lâm (đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1), CCN Giao Thiện (đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt), CCN Giao Yến 1 (đang triển khai các bước thủ tục đầu tư), CCN Giao Xuân đang triển khai các bước đầu tư.

Các nhà đầu tư đến với Giao Thủy sẽ được huyện chủ động hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cung ứng quỹ đất sạch; tránh được các tình huống tiêu cực khi phải trực tiếp GPMB với người dân như tranh chấp, khiếu kiện, nâng giá, gia tăng chi phí khi tiếp cận quỹ đất công nghiệp. Điểm nhấn trong cải thiện năng lực thu hút đầu tư của Giao Thủy còn phải kể đến sự tích cực cải cách, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Thay vì phải tiếp cận riêng lẻ, huyện hỗ trợ các nhà đầu tư trong một buổi có thể làm việc với tất cả các phòng, ban, đơn vị liên quan, thống nhất các công đoạn và sẽ được tiến hành giải quyết mọi thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã đúng quy trình, pháp luật theo hướng nhanh gọn nhất.

Và để thể hiện thịnh tình kêu gọi đầu tư, huyện chủ động xúc tiến các hoạt động liên hệ, gửi thư mời, trực tiếp làm việc, duy trì chăm sóc, thắt chặt mối quan hệ với các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp chiến lược trong và ngoài nước. Với đối nội huyện quyết liệt cải cách hành chính, cắt giảm những cuộc hội họp không cần thiết, dành thời gian tiếp cận, nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ giải quyết hợp lý các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đang hoạt động tại địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế hiện tại và tương lai của Giao Thủy nói riêng, của tỉnh nói chung, để định hướng cho doanh nghiệp khai thác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại huyện nhà. 

Đến nay, đã có có nhiều nhà đầu tư, bao gồm các tập đoàn lớn như SunGroup, VinGroup... đã tiếp cận, xúc tiến và có phương án dự định triển khai đầu tư tại địa bàn huyện. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tham gia đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược góp phần tăng sức hút đầu tư phát triển. Công ty TNHH Quốc tế Kam Fung Việt Nam (doanh nghiệp nước ngoài) đã tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Thịnh Lâm với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng Giao Yến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Giao Yến với tổng vốn đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng; dự án xây dựng CCN Giao Thiện với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng... Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi đầu tư tổ hợp siêu thị dịch vụ giải trí Lan Chi Mart Giao Thủy tại xã Hoành Sơn. Đây là siêu thị đầu tiên tại khu vực nông thôn của tỉnh, góp phần giúp huyện cải thiện hạ tầng, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng nhà xưởng sản xuất trên địa bàn với tổng vốn đầu tư cao, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lớn công nhân, lao động trên địa bàn huyện như: Công ty May ProSport Giao Thủy, Giao Yến, Hồng Thuận (trên 4.000 công nhân), Công ty TNHH Giày Sunshai Bình Hòa (trên 500 công nhân), Công ty Nice Power Giao Tiến trị giá trên 500 tỷ đồng, Công ty TNHH May Thiên Sơn Nam Định đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc tại xã Giao An với tổng vốn gần 300 tỷ đồng, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất hàng may mặc, túi xách và giày dép xuất khẩu tại xã Giao Thanh với tổng vốn trên 100 tỷ đồng… Nhờ đó, từ xuất phát điểm là huyện thuần nông, đến nay nền kinh tế huyện phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2021 đạt 6.250 tỷ đồng (tăng 148 lần so với năm 1997); thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt trên 770 tỷ đồng tăng gần 74 lần so với năm 1997.

Giai đoạn tới, Giao Thủy tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp thúc đẩy thu hút đầu tư. Tập trung lập và thực hiện quy hoạch đô thị Đại Đồng, phấn đấu đến năm 2025, đô thị Quất Lâm trở thành đô thị loại IV, đô thị Đại Đồng thành đô thị loại V; tiếp tục mở rộng thị trấn Ngô Đồng (bao gồm thị trấn Ngô Đồng và xã Hoành Sơn) và phát triển thêm 8 đô thị loại V. Tập trung xây dựng thêm mới bến xe Giao Thiện và các bến thủy, cảng tại các xã Hồng Thuận, Giao Thiện. Tập trung triển khai, xây dựng các tuyến đường trục chính, có tính kết nối, liên thông giữa các xã, thị trấn trong huyện với tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường trục mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; ưu tiên xây dựng 4 tuyến đường huyết mạch của huyện, gồm: Tuyến đường Cồn Nhì - Giao Thiện (ven sông Hồng); tuyến đường Lạc - Lâm, tuyến đường Cồn Nhất - Chợ Vọng và tuyến đường Giao Tiến - Giao Tân - Giao Thịnh (ven sông Sò).

Huyện tiếp tục nhất quán quan điểm chỉ đạo trong thu hút đầu tư của tỉnh là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân; không thu hút đầu tư vào các ngành nghề may mặc, giày da; chú trọng thu hút các dự án ít thâm dụng nhân công, không gây ô nhiễm môi trường, thu nhập của người lao động ở mức khá trở lên; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án ngành điện, điện tử công nghệ cao; khuyến khích các dự án phát triển du lịch sinh thái khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh và bảo tồn Vườn quốc gia Xuân Thủy, phát triển và xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng tại đô thị Quất Lâm (Giao Phong, Quất Lâm và Giao Thịnh)... 

Với nhiều dư địa trong thu hút đầu tư, cùng nỗ lực cải thiện thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng, chất lượng, hy vọng thời gian tới, Giao Thủy đang và sẽ là “điểm đến” hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước./.

                                                                       Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy