Trần Lân

Thanh tra các dự án năng lượng tái tạo tại 6 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên

Theo Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra là các dự án thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện 7) và quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Hôm qua (8/3/2022), Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đã chủ trì cuộc họp, công bố quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong quản lý, đầu tư, xây dựng các dự án điện phát triển từ năm 2011 đến 2021.

Buổi công bố quyết định thanh tra có sự tham sự của đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện các địa phương, đơn vị có liên quan.

Theo quyết định của Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra là các dự án thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện 7) và quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Việc thanh tra cũng sẽ tập trung vào các địa phương có sự phát triển nóng về điện năng lượng tái tạo trong thời gian qua, bao gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đắk Nông.

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành trong 85 ngày làm việc, tập trung vào chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng của các công trình, dự án điện này. Khi cần thiết, có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

du-an-nang-luong-tai-tao-1646753141.jpg Đoàn thanh tra sẽ tiến hành trong 85 ngày làm việc, tập trung thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng của các công trình, dự án điện năng lượng tái tạo tại 6 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh minh họa.

Được biết, trong những năm gần đây việc bùng nổ của điện mặt trời, điện gió giúp bổ sung lượng điện lớn điện tái tạo vào quy hoạch, gây tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện hoặc bị giảm phát điện.

Theo số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương, khi xây dựng đề án quy hoạch điện 8 (giai đoạn 2021-2030, có tính tới năm 2045), tại Quyết định 428/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện 7 điều chỉnh) ký ngày 18/3/2016, có 98 dự án với tổng công suất 57.535 MW được ghi danh.

Tính hết năm 2020, đã có thêm 384 dự án hoàn toàn mới với tổng công suất 51.552 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong số 384 dự án được bổ sung mới này có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.860 MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.450 MW.

Đồng thời, còn có 105.000 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 7.755 MW và được hưởng giá mua điện theo các Quyết định 11/2017 và Quyết định 13/2020 nhưng không được đưa vào kế hoạch trong quy hoạch điện hiện hành.

3 năm trở lại đây, với các chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ thông qua cơ chế giá, nhiều địa phương đã thu hút được hàng ngàn dự án điện tăng thu ngân sách nhưng cũng đã xuất hiện nhiều hệ lụy mới. Có thể nói như việc phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch điện đã gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải điện. Dẫn đến việc nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm công suất phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trước đó, vào tháng 2/2021, trước tình trạng các dự án điện mặt trời áp mái phát triển ồ ạt, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thanh tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm.