Trần Lân

Xem “Vang bóng một thời” ở phương nam

Dẫu rằng đã có hơn 3 chục năm sống ở Hà Nội nhưng số lần tôi đến rạp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà qua nghệ sỹ Nguyễn Thế Vinh, tôi có được mấy tấm vé đi xem vở “Vang bóng một thời” ở Nhà hát Thành phố HCM do sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn.

Thời học trò, lứa chúng tôi từng đọc một số truyện ngắn của Nguyễn Tuân như: “Vang bóng một thời”; “Chữ của người tử tù”; “Chém treo ngành”… thấy hay nhưng hay thế nào thì chưa đủ khả năng để cảm thụ. Nay được xem “Vang bóng một thời” do Nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản dựa trên những truyện ngắn đó mới có dịp hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn những triết lý nhân sinh trong những trang văn của Nguyễn Tuân.

Tình huống xẩy ra câu chuyện thật độc đáo, đặc sắc, giàu kịch tính cho hai tuyến nhân vật đối lập điển hình trong xã hội. Đó là Huấn Cao - người tử tù phạm tội đại nghịch đang bị giam chờ ngày hành quyết, người tài hoa nổi tiếng viết chữ đẹp... và viên quản ngục - người quản lí tù nhân đầy quyền lực, người có cơ hội lạm quyền nhưng lại rất yêu cái đẹp, hâm mộ người tài và có tấm lòng lương thiện. Dẫu họ hoàn toàn đối lập nhau về hoàn cảnh, về địa vị xã hội nhưng họ lại có cùng điểm chung là say mê cái đẹp tao nhã và đều có tâm hồn thanh khiết, lương thiện, biết đãi ngộ nhân tài.

vang-bong-mot-thoi-1648177264.jpg Minh họa

Qua những xung đột của hoàn cảnh, của hành vi tác giả đã làm nổi bật lên hai chữ “Thiên lương”, cái đáng quý nhất và là cái thể hiện cao đẹp của người tử tù tài hoa đã được thể hiện chỉ bằng hai chữ “Thiên lương”. Rồi cũng chính người tử tù Huấn Cao là người đưa ra lời khuyên chân thành với viên quản ngục trước khi thụ án: “Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy quản nên thay chốn đi... ở đây thiên lương khó giữ cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Cho chữ để cứu người là cái tâm cao đẹp của Huấn Cao. Cái tâm không chỉ là lòng nhân ái mà nó còn có sức mạnh cảm hóa lòng người, là thứ trầm tích được tích tụ qua nhiều thế hệ có sức mạnh toả sáng muôn đời. Dẫu là người tử tù chờ ngày hành quyết, cuộc sống của ông được tính bằng giờ nhưng Huấn Cao đã khiến viên quản ngục cảm phục “Chắp tay vái người tù một vái... nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Công bằng mà nói, cùng với kịch bản hay, vở “Vang bóng một thời” còn được đạo diễn rất có nghệ, Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Như Lai. Cùng với đó là dàn diễn viên chất lượng, yêu nghề và sống hết mình vì nghệ thuật. Vở diễn kéo dài hơn 2 giờ nhưng rạp đầy ắp và thưởng thức một cách thành kính. Mỗi lần tấm màn nhung khép lại là một tràng vỗ tay kéo dài của khán giả giành cho diễn viên. Kết thúc đêm diễn, hàng trăm khán giả ùa lên sân khấu để bày tỏ sự cảm kích mà vở diễn đã mang lại cho họ.

Được biết, Lệ Ngọc là sân khấu kịch nói ngoài quốc doanh, một “hiện tượng” nổi bật của sân khấu xã hội hóa phía Bắc khi liên tục cho ra mắt những vở diễn mới chất lượng tốt với hàng trăm suất diễn, thu hút hàng ngàn khán giả.

Có nhiều vở diễn đã giành giải thưởng lớn như: “Tình bạn và công lý” đoạt giải Vàng tại Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân 2020; “Làm vua” - giải Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; “Cuộc chiến COVID” - giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Phòng, chống dịch bệnh COVID-19”

Thời của dịch bệnh và giãn cách xã hội, với những ai theo đuổi hoạt động nghệ thuật đều phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng những thành viên của Lệ Ngọc vẫn không rời bỏ con đường nghệ thuật. Thật đáng trân trọng với tình yêu nghệ thuật và những cống hiến của họ, những nghệ sỹ đã miệt mài lao động nghệ thuật vì sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hoá nghệ thuật nước nhà./.