Vụ Việt Á nhập khẩu 03 triệu que test nhanh từ Trung Quốc dưới góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ

(PLBQ) - Sau khi vụ việc của Công ty Việt Á bị phanh phui, một nghi vấn được dư luận hết sức quan tâm đó là bộ kit test PCR của Công ty này được sản xuất ở đâu, quy trình sản xuất như thế nào? Dưới góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ, Pháp luật & Bản quyền có một vài ý kiến
tong-cuc-hai-quan-thong-tin-cong-ty-viet-a-nhap-khau-3-trieu-kit-xet-nghiem-tu-trung-quoc-1643011689.jpg Tổng cục Hải quan thông tin Công ty Việt Á nhập khẩu 3 triệu kit xét nghiệm từ Trung Quốc

Liệu Việt Á có lấy hàng Trung Quốc gắn mác Việt ( ? )

Sau khi vụ việc của Công ty Việt Á bị phanh phui, một nghi vấn được dư luận hết sức quan tâm đó là bộ kit test PCR của Công ty này được sản xuất ở đâu, quy trình sản xuất như thế nào? 

Theo thông tin báo chí, khi thâm nhập vào các cơ sở sản xuất mà Công ty Việt Á đăng ký cũng không ghi nhận hoạt động sản xuất. Tại đây chỉ có một vài nhân viên và số ít các dụng cụ, máy móc thiết bị khác với nhà máy sản xuất thông thường. 

Mặc dù vậy, ông Phan Quốc Việt - giám đốc Công ty Việt Á từng tự tin khẳng định năng lực sản xuất của công ty này có khả năng cung ứng lên tới 3 triệu bộ kit/tháng. Vậy, số kit test này có thể lấy ở đâu để cung cấp ra thị trường? Liệu có hay không việc công ty Việt Á nhập khẩu thành phẩm Trung Quốc rồi ‘phù phép’ thành sản phẩm ‘made in Việt Nam’. 

Được biết bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính do Công ty Việt Á nhập về thuộc chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test. Đây là chủng loại khác với bộ kit test Light Power IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR mà bị tố nâng khống giá trước đó.

Đến nay vụ việc vẫn cần thêm sự vào cuộc xác minh của các cơ quan điều tra. Tuy nhiên, những vụ việc như nhập khẩu hàng Trung, gắn mác hàng Việt không phải là chuyện hiếm và mỗi vụ việc lại có một cái kết khác nhau. 

Còn nhớ vụ việc của Khaisilk vào năm 2017, khi đó một khách hàng mua 60 chiếc khăn lụa thương hiệu này phát hiện cùng loại sản phẩm nhưng có 02 nhãn mác khác nhau: “Khaisilk made in Vietnam” và “Made in China”. Thêm vào đó, khi kiểm tra số khăn khác thì cũng đều phát hiện dấu hiệu của việc đã bị thay đổi nhãn mác. 

Sau đó, ông Hoàng Khải - chủ thương hiệu đã lên tiếng thừa nhận mua lụa Tàu về gắn mác Việt rồi bán ra thị trường. Cuối cùng, theo kết luận của Bộ Công thương, sản phẩm Khaisilk là sản phẩm giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng. 

vu-an-khaisilk-gia-mao-xuat-xu-dat-ra-van-de-quy-dinh-ve-ghi-nhan-xuat-xu-hang-hoa-1643011730.jpg Vụ án Khaisilk giả mạo xuất xứ đặt ra vấn đề quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa

Một vụ việc khác cũng từng hết sức được quan tâm, đó là vụ việc Asanzo bị tố giả mạo nhãn hiệu và lừa dối người tiêu dùng. Mặc dù công ty quảng cáo sản phẩm là “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” nhưng thực chất các linh kiện, hàng hóa dùng cho sản xuất, lắp ráp đều có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Vụ việc ban đầu được kết luận là không có hành vi vi phạm do chưa có quy định pháp luật về tiêu chí ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” nên việc Asanzo mua hàng hóa nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo xuất xứ Trung Quốc hoặc gia công, lắp ráp thành sản phẩm nguyên chiếc rồi gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” là không vi phạm pháp luật. 

Soi vụ việc Việt Á dưới góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ

Việc gắn mác hàng Việt ngoài lợi thế giúp giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn giúp doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi về thuế xuất khẩu. Do đó, các vụ việc tương tự như Khaisilk, Asanzo xảy ra ngày càng nhiều, đòi hỏi pháp luật phải có các quy định điều chỉnh kịp thời để bảo vệ người tiêu dùng. 

Trước đây, các quy định về chỉ dẫn địa lý trong Luật Sở hữu trí tuệ mới chỉ sử dụng cho một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, chứ không được sử dụng cho ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. 

Trong Nghị định 47/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, trong đó có quy định về doanh nghiệp phải ghi xuất xứ hàng hóa, nhưng chưa có quy định cụ thể về tiêu chí để một hàng hóa được ghi xuất xứ “Sản xuất tại Việt Nam”. 

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, điều chỉnh xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu nhưng lại không có quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. 

Do đó, việc cơ quan chức năng khi áp dụng quy định pháp luật hiện hành để giải quyết vụ việc gặp nhiều khó khăn và thậm chí có sự mâu thuẫn trong cách áp dụng quy định pháp luật.

Để giải quyết cho thực trạng này, ngày 09/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Cũng trong Nghị định này, trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ phải ghi nơi xuất xứ là nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm và công đoạn này phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. 

Quy định trên là bước khởi đầu trong việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến việc xác định xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong công tác bài trừ hàng giả, hàng nhái bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn hiện nay. 

Như vậy, đến nay đã có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi thay đổi xuất xứ của hàng hóa. Trong vụ việc Việt Á, khi cơ quan điều tra xác định được mục đích nhập khẩu bộ thành phẩm que thử test nhanh của Công ty Việt Á sẽ mở ra hướng đi mới cho quá trình giải quyết vụ án. Nếu có dấu hiệu gắn mác Việt để tuồn ra thị trường, công ty sẽ đối mặt thêm các cáo buộc liên quan đến hành vi trốn thuế và giả mạo xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng.