Trần Lân

Việt Nam có nhiều tiềm năng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21) chuyển tải thông điệp Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải cacbon ròng bằng không vào năm 2050.
quy-hoach-dien-1654305465.jpg Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Lễ Công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021

Đó là một thông tin quan trọng của Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 được công bố ngày 02/6, tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp thực hiện.

Đây là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam do Chương trình Đối tác năng lượng Đan Mạch - Việt Nam xây dựng.

Đáng chú ý, Báo cáo đã đề xuất một số kịch bản phát triển để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glasgow.

Đồng thời, Báo cáo tập trung nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện phân và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hóa giúp giảm đáng kể lượng khí thải cacbon và ô nhiễm không khí.

Báo cáo cũng cung cấp một số thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Chiến lược biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, từ năm 2013, Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng.

0452-eor-launch-2june-6-1654305466.jpg Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững của Việt Nam.

Ông Kristoffer Bottzauw - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng đan mạch (DEA) đánh giá, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh. Thông qua Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam, chúng tôi mong muốn chia sẻ cách thức để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đúng thời hạn với chi phí thấp nhất có thể, vì lợi ích đất nước, người dân và đặc biệt là khí hậu toàn cầu.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm và nền kinh tế đang phát triển dẫn đến gia tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng, cũng như lượng khí thải cacbon. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam có thể vừa phát triển kinh tế, vừa chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi, thảo luận của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức nghiên cứu và truyền thông ở Việt Nam./.