Trần Lân

Ưu tiên “mảng xanh” trong quy hoạch đô thị

Thống kê đến nay cả nước đã có gần 870 đô thị các loại. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện.

Theo các chuyên gia, quá trình phát triển đô thị đã hòa nhịp cùng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12-15%, gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung, hằng năm đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, nhất là những trung tâm về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đó là những cơ sở, nền tảng để Việt Nam tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phát triển đô thị trong giai đoạn tới.

0066-1656237913.jpg Công viên 23 tháng 9 (Quận 1, TP. HCM)

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đô thị hóa và phát triển đô thị vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỉ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Chất lượng đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý. Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tình trạng chung của các đô thị lớn là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn. Tỉ lệ đất giao thông, đất cây xanh còn thấp, chưa bảo đảm theo yêu cầu.

Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển các công trình phúc lợi như công viên, quảng trường; không "hy sinh" các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở. Chuyên gia nêu quan điểm, phát triển đô thị gắn với quản lý, phát triển thị trường bất động sản, phải bảo đảm ổn định và bền vững; giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân tại khu vực đô thị, nhất là các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, công nhân, người lao động. Trong quá trình đó cần quan tâm đặc biệt tới việc chỉnh trang các khu đô thị cũ, các khu chung cư đã xuống cấp để bảo đảm an toàn và tính mạng của người dân.

Chú trọng phát triển một số loại hình kinh tế đô thị mới gắn với phát triển du lịch, như kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với lợi thế đặc trưng của từng địa phương. Đồng thời cần có các giải pháp căn cơ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thực hiện tốt cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.