Thị trường tiêu dùng: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh

Theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2022 sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2022 ước đạt 486 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Cụ thể, tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1,8%). Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng đều cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước đạt 2.556,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%), chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp và giá bán hàng hóa tăng khi giá nhiên liệu tăng cao. Trong đó, nhóm hàng xăng dầu tăng 24,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 21,4%; lương thực, thực phẩm tăng 13,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 9,7%; may mặc tăng 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,7%.

So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2022 của một số địa phương tăng cao như: Khánh Hòa tăng 18,2%; Bình Dương tăng 18,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 16,8%; Cần Thơ tăng 16,1%; Quảng Ninh tăng 15,0%; Hải Phòng tăng 11,8%; Hà Nội tăng 10,7%; Đà Nẵng tăng 9,7%.

Báo cáo cũng cho biết, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh là do lưu thông hàng hóa trên thị trường không chịu tác động quá lớn của dịch bệnh COVID-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng.

muahang07-1659492933.jpg
Người dân xếp hàng chờ thanh toán tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhóm có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước là du lịch lữ hành (tăng 3.451% so với tháng 7/2021), dịch vụ lưu trú ăn uống (tăng 135%), dịch vụ khác (tăng 108%).

Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2022 ước đạt 324,9 nghìn tỷ đồng tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình (Riêng doanh thu tháng 7/2022 ngành này tăng 134,7% so với cùng kỳ năm trước).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao gồm: Hà Nội tăng 80,4%; Cần Thơ tăng 56,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 38,8%; Đà Nẵng tăng 37,2%; Đồng Nai tăng 37%; Bình Dương tăng 25%; Quảng Ninh tăng 19,2%; Hải Phòng tăng 12,6%.

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2022 ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2022 của một số địa phương tăng so với cùng kỳ: Khánh Hòa tăng 858,4%; Cần Thơ tăng 328,3%; Đà Nẵng tăng 284,8%; Hà Nội tăng 216,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 111,4%.

Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng năm 2022 ước đạt 312,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (Riêng tháng Bảy gấp 2,1 lần so với tháng 7/2021). Cụ thể, mức tăng 7 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Đà Nẵng tăng 42,1%; Cần Thơ tăng 28,4%; Quảng Ninh tăng 19,7%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 13,5%; Bình Dương tăng 12,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5%.

Dù thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, giá hàng hóa chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng dầu tăng khá cao.

Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.