Trần Lân

Thị trường đất nền vẫn chưa hết "nóng"

Thị trường bất động sản sau Tết Nguyên đán vẫn nhỗn nhịp, đặc biệt phân khúc đất nền. Ngoài đất thổ cư, thì đất vườn, đất nông nghiệp vẫn chưa bao giờ hết “nóng”.

Nhiều người phải thốt lên: Vì sao dòng tiền liên tục chảy vào đất nền?

Ghi nhận cho thấy, đầu năm 2022, nhà đầu tư vẫn không ngừng "săn" đất nền tỉnh. Bên cạnh đất thổ cư, thì những mảnh đất vườn, đất nông nghiệp vị trí đẹp gần như "ra đâu, hết đó". Nhiều môi giới BĐS dịch chuyển về tỉnh để cũng ăn nên làm ra nhờ hoạt động mua – bán sôi nổi. Thay vì tìm kiếm đất nền các tỉnh "sát vách", nhiều nhà đầu tư có xu hướng đi xa hơn, mua đất giá mềm hơn, và chờ đợi tăng giá.

Ghi nhận tại một phòng công chứng khu vực thị trấn Định Quán, Đồng Nai, người làm hồ sơ đất phải ngồi đợi hàng 5-6 tiếng đồng hồ mới đến lượt, bởi số lượng người đi công chứng đông. Đây cũng là khu vực từ tháng 10/2021 đến nay, liên tục ghi nhận sự nhộn nhịp trong mua bán đất đai.

Ngoài đất thổ cư, phân nền thì những mảnh đất vườn có giá từ 300-500 triệu đồng/sào Nam bôi (1.000m2) được mua bán nhanh chóng. Mức giá này được đẩy lên khoảng 600-800 triệu đồng/sào ở thời điểm hiện tại, dù vậy vẫn có nhà đầu tư vào mua. Ghi nhận cho thấy, hoạt động đầu tư lướt sóng cũng diễn ra khá mạnh mẽ tại thị trường này; những mảnh đất có diện tích khoảng trên dưới 2.000m2 nhu cầu mua đầu tư khá lớn, bán lại cũng khá dễ dàng.

ha-noi-nghich-ly-gia-dat-ven-do-1603286674-1648866704.jpg Thị trường bất động sản ngay sau Tết Nguyên đán, đặc biệt phân khúc đất nền, ở nhiều địa phương trở lại nhộn nhịp. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, tại thị trường Nhơn Trạch (Đồng Nai), nếu so với thời điểm trước Tết hiện có phần trầm lắng hơn. Tuy vậy, theo môi giới khu vực này, hoạt động đầu tư vẫn âm thầm diễn ra, nhiều NĐT có tài chính tốt, gom một lúc nhiều nền đất và chờ thời điểm chốt lời. Riêng với đất nông nghiệp thì hiện mặt bằng giá đã lên cao cho nên nhiều NĐT tìm kiếm các khu vực khác có giá còn mềm hơn. "Một tháng sàn giao dịch khoảng trên dưới 15 nền đất thổ cư, nhiều nhà đầu tư có tiền liên tục nhờ sàn tìm nguồn hàng để mua vào nhưng hiện cũng không còn dễ dàng", anh Kh, đại diện một sàn giao dịch BĐS khu vực Nhơn Trạch cho hay.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Tình hình chính trị thế giới cũng tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Chuyên gia trên cho rằng dưới tác động của việc tăng giá dầu, kim loại quý và vật liệu xây dựng, giá bất động sản trong quý I năm nay có xu hướng tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Savills Việt Nam đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, cho hay, cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.

TS Khương nhấn mạnh: "Tôi cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trong tháng 9-12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá".

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Ông Đính cho rằng đến hết quý 2, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu. Sở dĩ đất nền vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn cung trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính vẫn khuyến cáo, nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro./.