Trần Lân

Sở hữu trí tuệ: Động lực khuyến khích thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ đặc biệt là sở hữu trí đã trở thành động lực khuyến khích thế hệ trẻ cống hiến cho đất nước.
so-huu-tri-tue4-1651650507.jpg Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2022 với chủ đề "Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn" nhằm tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thanh niên dẫn dắt.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về vấn đề này.

Công cụ để sáng tạo đột phá 

- Năm 2022, chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn." Theo ông, thời gian qua, nhận thức về sở hữu trí tuệ trong cộng đồng được quan tâm thế nào?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay rất hay, tập trung nâng cao nhận thức của tất cả các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội mỗi quốc gia, từng hoạt động của mỗi doanh nghiệp, cá nhân.

Ở Việt Nam trong những năm vừa qua, nhận thức và sở hữu trí tuệ đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ hoặc chưa hành động đủ đối với việc bảo vệ, khai thác tài sản sở hữu trí tuệ.

Chủ đề năm nay tập trung vào thế hệ trẻ với mục đích tuyên truyền cho thế hệ trẻ biết tới và thực hiện tốt nhất hoạt động đổi mới sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Hoạt động đổi mới sáng tạo phải được bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ trên thành quả đổi mới sáng tạo đó.

Đây cũng là dịp tôn vinh những người trẻ, những người đưa ra các giải pháp mới để giải quyết những vấn đề cuộc sống. Chính họ cũng là những người tạo ra các giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu của xã hội, từ đó tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

- Nhiều chuyên gia cho rằng sở hữu trí tuệ giữ vai trò là động lực để khuyến khích thế hệ trẻ thỏa sức sáng tạo, tuy nhiên cũng có một vài ý kiến lo ngại điều này sẽ là rào cản làm chậm lại sự táo bạo của giới trẻ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Bảo hộ sở hữu trí tuệ trao cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ được tự mình hoặc cho phép người khác sử dụng, từ đó hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của mình.

Để có được độc quyền này, tài sản trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ chặt chẽ do pháp luật quy định và trong một vài trường hợp còn cần phải thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tôi không cho rằng điều này lại trở thành rào cản hoạt động đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ. Dù là với nhóm đối tượng nào: Học sinh, sinh viên, doanh nghiệp trẻ, nhà nghiên cứu trẻ - thì sở hữu trí tuệ vẫn là một công cụ khuyến khích thế hệ trẻ thỏa sức sáng tạo.

Việc chúng ta cần làm là hướng dẫn, hỗ trợ các bạn tiếp cận sớm, hiệu quả với hệ thống sở hữu trí tuệ. Tôi tin rằng với sự nhanh nhạy và năng động vốn có của tuổi trẻ thì các bạn sẽ dễ dàng biến sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ hữu hiệu để sáng tạo đột phá.

Khơi nguồn cho văn hóa sở hữu trí tuệ

- Trong vài năm gần đây, vấn đề hình thành "văn hóa sở hữu trí tuệ" thường xuyên được nhắc tới trên nhiều phương tiện truyền thông. Ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Từ sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, trong đó có đề ra một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đó là "hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội" thì cụm từ này xuất hiện thường xuyên trên phương tiện truyền thông.

Lùi về những thập niên 90 của thế kỉ XX, chúng ta đã có những quy phạm điều chỉnh về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, dưới tác động của việc gia nhập tổ chức WTO năm 2004, Việt Nam ban hành Luật Sở hữu trí tuệ đầu tiên vào năm 2005.

Vấn đề "văn hóa sở hữu trí tuệ" cũng tương tự như vậy. Các mạng xã hội phủ sóng toàn cầu như Facebook, Instagram; công ty công nghệ như Samsung, Apple; nền tảng xem trực tuyến như Youtube, Netflix xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam và đi kèm với đó vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Khi càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hiện diện tại Việt Nam thì yêu cầu về ý thức xã hội, cách thức hành xử liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ tự nó dần dần trở lên bức thiết.  

Thực tế là chưa có một khái niệm chính thống nào được đưa ra, nhưng dựa trên khái niệm về văn hóa và khái niệm về sở hữu trí tuệ, có thể nhận định đây là tổng hòa các hiện tượng tinh thần có được từ các hoạt động của con người trong các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Văn hóa ở đây chủ yếu là đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, giá trị quan của con người đối với các vấn đề và cách thức hành vi xử thế liên quan đến sở hữu trí tuệ. Cũng có thể nói đây là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Tôi cho rằng văn hóa sở hữu trí tuệ có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội. Một hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.


Ông Nguyễn Văn Bảy - Cục Phó Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


- Hằng năm, WIPO và nhiều tổ chức quốc tế thường liên tục truyền thông về các chiến lược sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững. Chúng ta cần làm gì để thông điệp này có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Trong vài năm trở lại đây, chúng ta thường xuyên nghe tới phong trào "khởi nghiệp," "đổi mới sáng tạo" và thuật ngữ đi kèm cùng với đó là "sở hữu trí tuệ."

Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định chủ trương "sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội." Có thể nói rằng, chúng ta đã nhận thức đúng đắn ngay từ cấp Trung ương và chủ trương này trở thành kim chỉ nam lan tỏa đi nhiều cấp, ngành.

Do vậy, tôi cho rằng về cơ bản chúng ta đã thấy được vai trò của sở hữu trí tuệ là động cơ đẩy cả cỗ máy hoạt động mạnh mẽ. Không chỉ dừng ở mức "biết" mà sau đó là "hiểu" và "hành động."

Hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính bao quát từ xác lập quyền, bảo vệ quyền, thương mại hóa, vì vậy, với mỗi chủ thể, mỗi ngành nghề nên tiếp cận và tập trung vào những khía cạnh nhất định của hệ thống sở hữu trí tuệ.

Với chức năng của mình, Cục Sở hữu trí tuệ có đủ năng lực chuyên môn và đội ngũ cán bộ để hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể có liên quan hiểu hiểu đúng quy định và hành động đúng thời điểm.

- Xin cảm ơn ông./.