Giá điện bình quân sẽ tăng lên 2.200 đồng/kWh

Trong đề án Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công Thương cho biết giá điện bình quân tăng 1.860 - 2.200 đồng/kWh.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, giá điện bình quân (theo tỷ giá USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 - 9,4 cent/kWh vào năm 2030.

Hiện giá điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.864,44 đồng/kWh (7,9 cent/kWh). Nếu lên mức 8,4 - 9,4 cent/kWh, theo tỉ giá năm 2020, giá điện bình quân trong giai đoạn tới lên tương đương 1.982 - 2.218 đồng/kWh.

Bộ Công Thương ước tính giai đoạn 2031 - 2050, giá điện bình quân sẽ trong khoảng 10,8 - 11,4 cent/kWh. Từ tính toán trên, Bộ Công Thương cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá điện của Việt Nam tương đối thấp. Năm 2030, mức giá điện dự kiến từ 8,4 - 9,4 cent/kWh vẫn thấp hơn giá điện hiện tại của Indonesia và Thái Lan.

Bộ Công Thương dẫn chứng giá điện bình quân của một số nước như sau: Malaysia (6,69 cent/kWh), Indonesia (10,07 cent/kWh), Thái Lan (10,74 cent/kWh), Trung Quốc (8,43 cent/kWh), Nhật Bản (21,08), Nga (5 cent/kWh), Đức (32,27 cent/kWh), Mỹ (10,91 cent/kWh), Canada (12,44 cent/kWh)…

Kinh tế vĩ mô - Giá điện bình quân sẽ tăng lên 2.200 đồng/kWh

Giá điện bình quân trong giai đoạn tới lên tương đương 1.982 - 2.218 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo với giá điện gió trên bờ sẽ giảm từ 7,74 cent/kWh giai đoạn trước năm 2025 xuống mức 6,35 cent/kWh trước năm 2030 và xuống 5,72 cent/kWh sau năm 2040.

Giá điện gió ngoài khơi có thể giảm từ 11 cent/kWh hiện nay xuống 9 cent/kWh trước 2030 và xuống 6 cent/kWh sau 2040. Giá điện mặt trời có thể giảm xuống mức 5 - 6 cent/kWh trước 2030 và 4,8 cent/kWh sau 2040. Thậm chí một số dự báo cho thấy giá các loại hình năng lượng tái tạo có thể giảm nhanh hơn.

Ngoài ra, đối với các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030, với tổng công suất 2.360 MW để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư.

Đồng thời, loại bỏ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch, nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136 MW ra khỏi Quy hoạch Điện VIII trong giai đoạn 2021-2030 và để xem xét trong giai đoạn 2011-2045.

Cũng theo Tờ trình, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9.2022, cả nước có 39 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 24.674 MW đang vận hành. Còn 12 dự án nhiệt điện than, tương ứng 13.792 MW đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, hoặc đang triển khai xây dựng.

Trong đó, có 7 dự án (6.992 MW đang xây dựng bao gồm nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2, An Khánh, Na Dương 2. Trong số này, có dự án đã thu xếp được vốn, đang xây dựng, sẽ vào vận hành (Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2).

Còn dự án nhiệt điện Long Phú 1 đang trong quá trình đàm phán với tổng thầu; 2 dự án An Khánh Bắc Giang và Na Dương 2 đã có phương án vay vốn trong nước.

Có 5 dự án tương ứng 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm: Sông Hậu 2 (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân 3 (1.800 MW), Quảng Trị 1 (1.200 MW), Công Thanh (600 MW).

Tuy nhiên, tờ trình của Bộ Công Thương cho rằng, theo các văn bản gửi Bộ Công Thương gần nhất, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. Vì vậy, để tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, cần tiếp tục để trong Quy hoạch Điện VIII các dự án này, nhất là các dự án BOT có chủ đầu tư nước ngoài.

Link nội dung: https://kinhtenet.vn/gia-dien-binh-quan-se-tang-len-2200-dongkwh-2002.html