Hệ lụy của lối sống thực dụng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay

TÓM TẮT: Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng có nhiều tiêu cực. Những tiêu cực xuất phát từ lối sống thực dụng đã tạo nên những hệ lụy trên quy mô toàn xã hội cũng như đối với từng tập thể, cá nhân và gia đình. Những hệ lụy đó là: sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong phạm vi các cơ quan nhà nước; sự yếu kém về ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể, trách nhiệm ở một số bộ phận trong các tầng lớ...

the-nao-la-nguoi-song-thuc-dung-102626739-1662373059.jpg Minh họa

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau những năm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, đến nay trong xã hội đã có những chuyển biến căn bản. Bên cạnh những thay đổi theo chiều hướng tích cực rất đáng ghi nhận trong đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của xã hội thì còn có nhiều sự chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, gây cản trở bước tiến của xã hội. Phạm vi bài viết đề cập đến những hệ lụy do nền kinh tế thị trường mà trực tiếp là lối sống thực dụng đã gây ra.

Đó là: sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong phạm vi các cơ quan nhà nước; sự yếu kém về ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể, trách nhiệm ở một số bộ phận trong các tầng lớp nhân dân; và sự mai một đạo đức, nếp sống trong gia đình, dòng tộc. Mục đích bài viết nhằm giúp mọi người nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, tiêu cực để vươn lên đạt những giá trị đích thực của cuộc sống.

1. Sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong các cơ quan nhà nước

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011, Đảng đã đề cập thẳng đến vấn đề đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường như sau:“Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lí, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thật sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, làm theo chưa đạt yêu cầu”.

Hiện nay trong các cơ quan nhà nước đang diễn ra hai lối sống: lối sống có lí tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của nhà nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỉ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Tình trạng này, trước kia từ chỗ chỉ có ở “một bộ phận” thì nay đã diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ”, trong đó có cả cán bộ đảng viên có chức, có quyền.

Suy thoái về đạo đức, lối sống làm nảy sinh lãng phí, tham nhũng, nhũng nhiễu dân, nếu trước kia diễn ra ở một số cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thì nay xảy ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa, chính sách xã hội, tổ chức cán bộ, công tác tham mưu,… Mức độ này ngày càng tăng, nếu trước kia chủ yếu chỉ là biển thủ (ăn cắp của công bằng mánh khóe gian lận) mang tính chất cá nhân đơn lẻ thì nay lại có móc nối chặt chẽ để trục lợi như: thông đồng, chia chác giữa các bên trong đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, mua sắm vật tư, đấu thầu và chỉ định thầu, phân phối dự án, hoàn thuế giá trị gia tăng, trong cấp phát vốn; nhận hối lộ trong tuyển dụng và thuyên chuyển công tác; “ra giá” trong điều tra truy tố xét xử;... Các hiện tượng như: chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp,... diễn ra không phải chỉ một nơi mà là nhiều nơi. Đây là những biểu hiện của lối sống thực dụng, trục lợi, gây cản trở trong công tác triển phát triển văn hóa xã hội.

Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng, việc này không chỉ có ở đảng viên trẻ mà còn biểu hiện cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là những cán bộ nắm quyền, tiền, và tài sản công. Lối sống này trái với đạo đức, phẩm chất của người cộng sản “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” như sinh thời Bác Hồ đã dạy. Bệnh thành tích, bệnh nói nhiều làm ít, nói nhưng không làm còn xảy ra ở không ít cán bộ, đảng viên, trái với lời dạy của Bác Hồ là “nói phải đi đôi với làm”, “dù khó khăn đến mấy cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng”. Trong Đảng ta hiện nay còn không ít cấp ủy, người lãnh đạo… còn xa dân, không sát cơ sở, không hiểu thực tiễn, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới, không nắm được hoạt động, lối sống của cán bộ dưới quyền, nên có trường hợp đề ra chủ trương chính sách không phù hợp với thực tế, người dân không đồng tình. Đó là bệnh quan liêu, xa dân, không nghe sự thật.

Trong sinh hoạt tập thể thì người ta ngại phê bình góp ý bởi lẽ sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, thường đùn đẩy trách nhiệm cho người khác làm, ngại phối hợp hoạt động, thiếu liên doanh liên kết, thiếu sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, dẫn tới  hiệu quả hợp tác chưa cao trong các công việc do cấp trên chỉ đạo. Tình trạng tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu dân gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, làm thất thoát tài sản, tiền vốn của nhà nước, của nhân dân và hư hỏng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tình trạng “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” dân ở nhiều cán bộ, đảng viên, công chức khi thực thi công vụ, chưa tới mức phải truy tố trước pháp luật diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân băn khoăn, chưa thật sự tin tưởng đối với cuộc đấu tranh phòng chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Tóm lại, có thể nói trong nhiều cơ quan nhà nước do ảnh hưởng của lối sống thực dụng dẫn đến tình trạng lối sống suy thoái về tư tưởng chính trị, về phẩm chất đạo đức, dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên diễn ra nghiêm trọng làm cho nhân dân lo lắng, bất bình, giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, là nhân tố kìm hãm bước tiến của công cuộc đổi mới ngày hôm nay.

2. Sự yếu kém về ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể, trách nhiệm của một số bộ phận tầng lớp nhân dân

Lối sống  thực dụng, chạy theo đồng tiền hiện nay còn có khuynh hướng mở rộng ra tất cả các tầng lớp nhân dân, làm cho nhiều người coi giá trị thị trường là tiêu chí quan trọng nhất dùng để đo các giá trị khác. Từ đó, họ thường quan tâm các quan hệ đem lại lợi ích gì cho mình, cho cá nhân mình, mà kém về ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể, trách nhiệm cá nhân.

Quan sát ở những nơi công cộng sẽ dễ nhận thấy điều này: ở các khu đông dân cư thì nếp sống vệ sinh chung thường rất kém; trên các vỉa hè đường phố nhan nhãn các đống rác, bảng quảng cáo, vật dụng để lấn chiếm mặt bằng và không gian hành lang; trước các công sở của một số cơ quan lại có những quán bán hàng rong, hàng ăn uống, hay có những quán ăn, quán cà phê tư nhân mọc lên; tại các chợ, bến xe, khu vui chơi công cộng chúng ta càng thấy rõ ý thức cộng đồng, ý thức chấp hành quy định chưa tốt....  Điều này thể hiện một tư duy nhận thức văn hóa kém, lối sống tranh thủ chụp giật, không có kế hoạch, tổ chức và tầm nhìn dài hạn.

Lối sống thực dụng cũng còn là nguyên nhân dẫn đến khuynh hướng chạy theo lợi nhuận, "thương mại hóa" một cách rõ ràng (cái gì có tiền mới làm, cái gì không có tiền, dù cần cũng không làm) đối với nhiều người. Hơn thế nữa, khi chạy theo đồng tiền nhiều người có thể sẽ bất chấp đạo lí, những hủ tục mê tín có thể tăng nhanh, các sản phẩm phản phi văn hóa, làm băng hoại con người có thể tràn lan, các bậc giá trị có thể bị nhận thức sai lệch... Lối sống thực dụng cũng đã kéo theo lối sống "tiền trao cháo múc", lạnh lùng, tàn nhẫn làm băng hoại đạo đức truyền thống, thuần phong mĩ tục, tấn công vào từng gia đình, từng người.

Đã có không ít hiện tượng: từ chỗ quan niệm coi trọng các giá trị chính trị, xã hội, giá trị về nhân cách sang coi trọng tuyệt đối hóa các giá trị vật chất kinh tế. Hoặc từ chỗ lấy con người hy sinh vì tập thể, vì cộng đồng, vì xã hội là đạo đức cao nhất để làm mẫu mực, chuyển sang coi trọng tuyệt đối hóa con người cá nhân, thậm chí là cá nhân ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa. Từ chỗ tôn sùng sự tài giỏi và danh vọng lên trên, lại chuyển sang tôn sùng tiện nghi vật chất, tôn sùng đồng tiền, coi tiền là trên hết, lấy đồng tiền làm thước đo giá trị của con người. Tiền xâm nhập vào nhiều mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí thành nguyên tắc xử thế và tiêu chuẩn hành vi của không ít người. Chính vì vậy mà những hiện tượng buôn lậu, lừa đảo, làm hàng giả, chạy việc làm, mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền bằng tiền... chúng ta đấu tranh, ngăn ngừa nhiều năm nay nhưng hiện vẫn đang diễn ra phức tạp và là nỗi lo lắng của xã hội.

Những quan niệm và hành vi của đạo đức truyền thống như tinh thần giúp đỡ nhau, tình làng nghĩa xóm, kính già, yêu trẻ, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, vợ chồng thủy chung... đã bị biến động và suy giảm do toan tính của đồng tiền. Lối sống thực dụng càng làm cho sức mạnh của đồng tiên tăng lên ghê gướm đã làm mất dần ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể, trách nhiệm của một số bộ phận tầng lớp nhân dân.

3. Sự mai một đạo đức, nếp sống trong gia đình, dòng tộc

Bên cạnh nhiều ưu điểm của nền kinh tế thị trường tác động đến nếp sống văn hóa gia đình dòng tộc thì cũng những nhược điểm hạn chế nhất định của lối sống thực dụng làm mai một dần đạo đức nếp sống gia đình, dòng tộc. Một số thành viên trong các gia đình ở nông thôn, nhiều nhất là thanh niên, không muốn làm nông vì thu nhập thấp đã tìm kiếm việc làm khác ở đô thị nhằm có thu nhập cao hơn, tuy nhiên nghề nghiệp mới của họ thường ít ổn định và thu nhập cũng bấp bênh, nên hình thành ở họ lối sống với nhiều kiểu thực dụng khác nhau.

Những con người này gắn kết giữa họ với nhau đã hình thành nên một thế hệ gia đình mới có những điểm không giống với chính thế hệ gia đình của cha mẹ họ. Bởi những gia đình mới này thường xuyên đối mặt với công việc, với cuộc sống khó khăn thiếu thốn về vật chất, lại thiếu sự gần gũi trực tiếp giúp đỡ của bố mẹ đôi bên, nên có một số gia đình cố ý hoặc vô tình quên đi lễ nghi truyền thống gia đình, dòng tộc, sống rời rạc với “tình làng nghĩa xóm”, thiếu tôn trọng quy định nơi cưu trú. v.v...

Trong những gia đình mới này, bên cạnh những người vẫn giữ được lòng hiếu thảo với cha mẹ, vượt lên khó khăn, sống có hoài bão, đã xuất hiện một số người có lối sống thực dụng, phóng đãng, xem nhẹ hoặc không còn biết đến lòng hiếu thảo là gì. Cũng đã có không ít người vội quên đi cuộc sống vất vả, khó khăn nơi thôn dã mà trước đó ít lâu họ đã nếm trải để chạy theo lối sống phung phí tiền bạc, lạnh lùng, thậm chí coi thường và xa lánh những người có cuộc sống hiện còn nghèo khó.

Dưới tác động của kinh tế thị trường thì hình thức gia đình có ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái chung sống với nhau, để bổ sung cho nhau những thiếu hụt của mỗi lớp tuổi đời thì nay tan vỡ đi rất nhiều. Xu hướng tự quyết định nghề nghiệp, tự quyết định hôn nhân, thích ra ở riêng ngay từ khi mới lập gia đình ngày càng trở nên phổ biến. Mặt tốt cần được khẳng định của xu hướng này là ý chí tự lập của mỗi người được đề cao, song ảnh hưởng xấu của nó cũng không nhỏ.

Mỗi gia đình nhỏ luôn cố tìm cho mình một tổ ấm riêng và trong cái tố ấm ấy, thành viên nào cũng cố tìm cho mình một không gian riêng. Với cách sống đó, quyền tự do cá nhân được tôn trọng, song mối quan hệ huyết thống lại dần dần bị phai nhạt. Bố mẹ, anh em, bà con họ hàng ít có dịp gặp nhau và gần như quanh năm chỉ là những câu thăm hỏi xã giao qua thư từ, điện thoại. Với cha mẹ già, phần đông nam nữ thanh niên đều cho rằng chỉ cần đóng góp tiền để phụng dưỡng là kể như đã tròn bổn phận của đạo làm con. Với ông bà tổ tiên thì cũng cho rằng chỉ đóng góp tiền để xây mồ mả là hoàn thành nhiệm vụ. Chữ hiếu đã được không ít người thực dụng hiểu một cách lạnh lùng như chính đồng tiền của họ.

Lối sống thực dụng còn hình thành mốt tiêu dùng, sắm sửa cho gia đình và cá nhân. Trước đây người ta trọng lối sống cần kiệm, đơn giản thì nay với lối sống thực dụng nhiều cá nhân và gia đình lại tiêu dùng sắm sửa chạy theo theo phong trào, theo mốt của cuộc sống, sùng hàng ngoại, và điều này được xem là biểu hiện thành công đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Cách nghĩ và lối sống đó không thích hợp với hiện trạng kinh tế gia đình họ, lẫn truyền thống văn hoá gia đình Việt Nam.

Cách tiêu xài, lối sống buông thả, tự do, phóng túng kiểu thực dụng Phương Tây thâm nhập vào nước ta qua con đường phim ảnh, băng đĩa nhập lậu, khách du lịch... đã dẫn đến lối sống ăn nhậu bê tha, quan hệ tình cảm bừa bãi, sống thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội ở một số người.

Có những người biết rõ cách sống đó không hợp với đạo lí dân tộc, với thuần phong mĩ tục và nếp sống gia đình Việt Nam truyền thống nên chỉ chạy theo một cách lén lút, nhưng cũng đã có một số người coi đó là văn minh, là hiện đại và công khai bày tỏ sự đắc chí thấp hèn của mình. Số người này không nhiều nhưng những tác động xấu mà họ gây ra thì lại không chỉ giới hạn ở bản thân họ và gia đình họ. Lối sống thực dụng còn dẫn lối sống hám lợi. Từng cá thể, mỗi gia đình hay sự liên kết giữa chúng thành êkíp làm giàu bằng mọi cách, thậm chí còn bất chấp cả luật pháp, đạo lí, tình nghĩa. Vì lợi nhuận, vì tiền bạc mà đã có không ít những gia đình trong đó cha mẹ, con cái, anh chị em cùng làm ăn bất chính hay lừa đảo lẫn nhau, đẩy cả gia đình rơi vào bi kịch.

Sự cám dỗ của đồng tiền và nhu cầu kiếm tiền bằng mọi cách đã làm không ít người sẵn sàng chà đạp lên luân thường đạo lí. Quan niệm có tiền là có tất cả đã khiến người ta quên mất rằng tiền bạc đâu có làm nên hạnh phúc gia đình. Đồng tiền dẫu có là một trong những phương tiện mang đến hạnh phúc gia đình nhưng lại chưa bao giờ là hạnh phúc cả. Bởi giàu có thì dễ hoang tàn, xa xỉ, sa đọa chơi bời, trác táng và hệ quả tất yếu là tan nát nhà cửa, vợ chồng chia ly, con cái hư hỏng.

Quan niệm “tiền trao cháo múc", “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục các giá trị nhân văn, giáo dục đạo lí truyền thống trong gia đình. Thêm vào đó là lối sống ích kỉ. Lối sống này dẫu chưa phải đã đến mức trầm trọng, phổ biến, nhưng nó đã bắt đầu nảy sinh, xuất hiện trong một số gia đình. Trong nền kinh tế thị trường, để có cơ hội làm giàu, kể cả làm giàu chính đáng, phần lớn các gia đình Việt Nam đều ưa thích ít con.

 Nhưng có lẽ cũng vì ít con nên xu hướng của các gia đình là nuông chiều con. Điều đó là đúng, song cũng vì thế mà trên thực tế, một hệ quả tất yếu đã xảy ra không ít trẻ vị thành niên trở nên ích kỉ một cách lạ thường, không biết đến ai ngoài bản thân mình. Số trẻ ấy nếu không được quan tâm dạy đỗ tốt sẽ thiếu bản lĩnh khi bước vào đời, vì quen với lối sống ỷ lại, dựa dẫm và rất dễ phản kháng một khi nhu cầu của chúng không được đáp ứng. Trên thực tế, đã có không ít gia đình xung đột thậm chí có khi tan vỡ bởi sự nuông chiều con cái không đúng mà bản thân họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân.

KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Trong thời điểm hiện nay, khi mà nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt xã hội của nước ta và lối sống thực dụng chính là con đẻ của nền kinh tế thị trường đang tác động rất lớn đến từng cá nhân, gia đình, xã hội và những hệ lụy của nó sẽ không tránh khỏi.

Nhưng việc gì là tốt, việc gì là chưa tốt và việc gì là xấu, đâu là hiện tượng và đâu là bản chất của các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, hy vọng chúng ta sẽ nhìn nhận đúng đắn với một thái độ khách quan, bình tĩnh để phán xét đúng sai, tốt xấu, với một tinh thần trách nhiệm cao để ngăn chặn những tiêu cực và với một ý thức sâu sắc nhằm phát huy những nhân tố tích cực./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Đại hội XI 2011: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI – NXB Chính trị Quốc gia

2. Trần Ngọc Thêm (chủ biên) 2015: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại – NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

 

Link nội dung: https://kinhtenet.vn/he-luy-cua-loi-song-thuc-dung-trong-nen-kinh-te-thi-truong-o-viet-nam-hien-nay-1882.html