GenZ ít hài lòng với công việc, làm sao để giữ chân người tài?

Khảo sát của PwC với 18.000 nhân viên cho thấy có tới 53% nhân sự genZ ít hài lòng với công việc, cùng với đó là muốn tăng lương và dự định nghỉ việc cao không kém.

Sự khác biệt thế hệ trong môi trường làm việc

Để giải đáp cho bài toán nhân lực và xu hướng lao động hiện nay, ngày 25/8 PwC – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Giải mã xu hướng và bài toán nhân lực cùng PwC”.

Khảo sát của PwC năm 2022 với gần 18.000 nhân viên tại Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy các công ty trong khu vực đang phải đối mặt với sự thiếu hụt kỹ năng và nhân tài trong nhiều năm.

Với sự tiếp nối các thế hệ, gen Z – những người trong độ tuổi từ 18 đến 25 được coi là lực lượng lao động chính trong tương lai lại có tỉ lệ ít hài lòng trong công việc cao nhất (53%). Cùng với đó là dự định đề xuất tăng lương và dự định nghỉ việc cũng cao không kém.

Ngoài ra gen Y (từ 26 đến 41 tuổi) lại có nhu cầu chủ yếu về đãi ngộ công bằng hơn. Còn gen X (từ 42 đến 57 tuổi) chỉ có mong muốn được là chính mình hơn trong công việc.

Xu hướng thị trường - GenZ ít hài lòng với công việc, làm sao để giữ chân người tài?

Sự khác biệt giữa các thế hệ nhân viên theo khảo sát của PwC

Để giải quyết cho bài toán nhân lực và sự khác biệt giữa các thế hệ người lao động, doanh nghiệp cần hiểu rõ những gì nhân viên đánh giá cao và mong đợi tại nơi làm việc, cân nhắc lại cách tiếp cận thông thường nhằm thu hút, giữ chân và quản lý nhân tài, bà Lã Trần Minh - Trưởng phòng cao cấp, Dịch vụ tư vấn chuyển đổi nguồn nhân lực Công ty tư vấn PwC Việt Nam cho biết.

Giải bài toán về con người

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, nhu cầu về đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực đã có từ rất lâu nhưng doanh nghiệp lựa chọn chương trình đào tạo ra sao phù hợp với thời đại 4.0, phù hợp với công việc của nhân viên.

Tại PwC đã có các chương trình đào tạo ngoài những kĩ năng về nghiệp vụ, các nhân viên còn được đào tạo kĩ năng cần thiết về giao tiếp, giải quyết vấn đề hay mới nhất là kĩ năng bảo vệ sức khoẻ về mặt tinh thần, thể chất. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng con người là tài sản, chính vì thế phát triển con người cũng nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Xu hướng thị trường - GenZ ít hài lòng với công việc, làm sao để giữ chân người tài? (Hình 2).

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc PwC Việt Nam

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán Bộ Tài chính nhấn mạnh ngành kiểm toán cần trình độ chuyên môn cao cũng như khả năng tin học. Đối với làn sóng công nghệ và hội nhập, nhân lực ngành kiểm toán cần kĩ năng về công nghệ thông tin song song với kĩ năng nghiệp vụ, tuy nhiên nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được ở cả 2 tiêu chí.

Xu hướng thị trường - GenZ ít hài lòng với công việc, làm sao để giữ chân người tài? (Hình 3).

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán Bộ Tài chính

Do đó cần phải xây dựng một đề án khác phù hợp hơn với lộ trình tiến đến chuyển đổi mô hình chuẩn mực kế toán trong tương lai, đào tạo nguồn lực sao cho phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Ngoài ra, việc nâng cao nguồn lực trong các cơ quan Nhà nước cũng cần thay đổi, việc thay đổi này nên từ trong các chính sách, trong Luật pháp sao cho phù hợp với thời đại khi công nghệ tham gia phần lớn vào các hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp. Hơn nữa việc đào tạo xuất phát từ nhà trường, nên kết hợp tin học vào các môn chuyên ngành để tạo ra một hệ thống phù hợp với thời đại công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, các chuyên gia về tổ chức nhân sự đến từ các doanh nghiệp khác như Cyberkid Vietnam và VNG Corporation cũng đưa ra những ý tưởng về việc giải quyết bài toán nhân lực.

Nguồn nhân lực mới đa phần đều là các bạn trẻ đã quen thuộc với công nghệ, vì thế cần phải có chiến lược đào tạo phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bao gồm các kĩ năng liên quan đến data, phân tích dữ liệu, tìm kiếm thông tin,… hay kĩ năng mềm như xử lý vấn đề, giao tiếp trên nền tảng số và những kĩ năng tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần, thể chất cũng được doanh nghiệp chú trọng. Bởi con người chính là cốt lõi của doanh nghiệp, phát triển con người chính là chiến lược kinh doanh đúng đắn của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc chú trọng đào tạo, phát triển còn phải quan tâm đến môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ để giúp người lao động có thêm động lực làm việc, thể hiện được những kĩ năng tương lai, bà Lã Trần Minh kết luận.

Hồng Nhung

Link nội dung: https://kinhtenet.vn/genz-it-hai-long-voi-cong-viec-lam-sao-de-giu-chan-nguoi-tai-1840.html