Hàng không phục hồi: Kẻ cười, người vẫn khóc

Các doanh nghiệp hàng không đã cho thấy sự tăng trưởng doanh thu cao nhất 2 năm trở lại đây, tuy nhiên giá nhiên liệu tăng cao và gánh nặng tỉ giá vẫn là mối lo lớn.

Thị trường hàng không Việt đang trở lại đầy ấn tượng sau những cú sốc bởi các làn sóng của đại dịch Covid-19 và những di chứng kèm theo bất chấp sự biến động của giá nhiên liệu và những trở ngại trong việc mở lại các đường bay quốc tế.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, có 56,1 triệu khách qua các cảng hàng không, tăng 111% so với cùng kỳ 2021. Trong số này, khách quốc tế đạt 3,8 triệu khách, tăng 1.463% so với cùng kỳ 2021; khách nội địa đạt 52,3 triệu khách, tăng 98,2% so với cùng kỳ 2021.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 27,7 triệu khách, tăng 104% so với cùng kỳ 2021, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu, tăng 1.939% so với cùng kỳ 2021. Khách nội địa đạt 26,1 triệu khách, tăng 97% so với cùng kỳ 2021.

Riêng trong tháng 7, thị trường hàng không nội địa ghi nhận sự tăng trưởng cao, tăng 5% so với tháng trước và tăng 38% so với thời điểm trước dịch Covid-19 (2019).

Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong tháng 7 đạt gần 12 triệu lượt khách. Trong đó, lượng hành khách nội địa đạt 10,6 triệu lượt (tăng hơn 40%), lượng khách quốc tế đạt 1,3 triệu lượt (giảm 65%). Về hàng hóa, tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không đạt 119.000 tấn, giảm 9,3% so với thời điểm trước dịch.

Hồ sơ doanh nghiệp - Hàng không phục hồi: Kẻ cười, người vẫn khóc

Khách bay nội địa tăng trưởng mạnh vượt mọi dự báo. 

Sự phục hồi của thị trường hàng không cũng được minh chứng ngay bằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính quý II mới được Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) công bố, trong 6 tháng đầu năm, “đại gia sân bay” ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ, lên hơn 3.400 tỷ đồng. Đồng thời, lãi gộp nhảy vọt lên 1,622 tỷ đồng, tăng gấp nhiều chục lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng trở về mức bình thường 47%, trong khi cùng kỳ chỉ 2%.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, ACV báo lãi sau thuế quý 2/2022 lên gần 2.600 tỷ đồng, gấp gần 8 lần so với cùng kỳ. Con số này cao hơn cả lợi nhuận của 2 năm dịch bệnh 2020 và 2021 gộp lại (tổng khoảng hơn 2.400 tỷ đồng). Đồng thời, đây cũng là mức lãi quý cao nhất từ khi ACV niêm yết trên sàn chứng khoán cuối năm 2016.

Với kết quả kinh doanh như vậy cũng đánh dấu kỳ tăng thứ ba liên tiếp sau khi hoạt động vận tải hành khách chịu ảnh hưởng mạnh vì các đợt giãn cách xã hội khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam vào quý II và đặc biệt là quý III năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu hơn 5.538 tỷ, tăng 160% so với cùng kỳ trong đó chủ yếu đến từ phục vụ hành khách (2.288 tỷ đồng), dịch vụ hạ cất cánh (956 tỷ đồng). Lãi sau thuế tăng gần gấp 3 lần đạt 3.473 tỷ đồng.

Với kết quả này, “ông lớn” trực tiếp khai thác vận hành 21 cảng hàng không trong cả nước đã hoàn thành 54% mục tiêu doanh thu và vượt 68% kế hoạch lợi nhuận (2.566 tỷ đồng).

Có mức doanh thu theo quý cao nhất trong 2 năm trở lại đây, hãng hàng không Vietjet (HOSE: VJC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11.590 tỷ đồng trong quý II.

Trong đó, nguồn thu lớn nhất đến từ việc vận chuyển hành khách (5.620 tỷ đồng); hoạt động phụ trợ (2.593 tỷ đồng); thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ (2.467 tỷ đồng).

Trong kỳ Vietjet báo lãi sau thuế 181 tỷ đồng, tăng 45 lần so với cùng kỳ năm trước.  

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của hãng đạt 16.112 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần.

Đối với công ty mẹ Vietjet đạt 14.696 tỷ đồng doanh thu tăng 193% so với cùng kỳ và báo lãi sau thế 76 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ.

Giải trình từ phía doanh nghiệp, kết quả kinh doanh khả quan trên là nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 - giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Chỉ tính riêng trong quý 2, Vietjet đã thực hiện gần 33.000 chuyến bay và vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng lần lượt 135% và 200% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển cũng đạt hơn 11.000 tấn.

Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết Vietjet khai thác tổng cộng 51.483 chuyến bay trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng gần 52% so với 6 tháng 2021.

Trước đó, ông lớn ngành hàng không Vietnam Airlines (HoSE: HVN) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.323 tỷ đồng - cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái; lỗ sau thuế 2.568 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mức lỗ của công ty mẹ Vietnam Airlines ít hơn 44% so sánh cùng kỳ, dừng ở mức 2.243 tỉ đồng

Như vậy dù đã tích cực giảm lỗ nhưng đây đã là quý thứ 10 liên tiếp Vietnam Airlines chìm trong thua lỗ kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là hoạt động kinh doanh cốt lõi đã gần hết lỗ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt 29.944 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với con số đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 và vượt 35,3% so với kế hoạch. Việc tăng trưởng doanh thu ấn tượng của Vietnam Airlines chủ yếu đến từ chủ yếu là đà tăng của doanh thu vận tải hàng không khi đóng góp đến 72% doanh thu, đạt gần 21.600 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng ở mức 31.915 tỷ đồng tăng 157%, chủ yếu là do chi phí nhiên liệu bay cao hơn mức cùng kỳ, đã khiến cho ông lớn ngành hàng không lỗ gộp 1.972 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Khấu trừ chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 5.218 tỷ đồng sau 6 tháng, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp hàng không này lỗ gần 30 tỷ đồng. Dù vậy mức lỗ đã cải thiện hơn khi giảm tới 38,5% so với khoản lợi nhuận âm hơn 8.622 tỷ đồng nửa đầu năm 2021.

Đối với công ty mẹ Vietnam Airlines mức lỗ ở mức 4.685 tỷ đồng, giảm lỗ gần 39% so với cùng kỳ và thấp hơn 1.309 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tuy hoạt động kinh doanh đã cải thiện đáng kể nhưng hãng hàng không quốc gia vẫn đang bị đè nén bởi khoản dư nợ khổng lồ trong ngắn hạn.

Tính tới cuối quý 2/2022, Vietnam Airlines ghi nhận nợ ngắn hạn lên tới gần 53.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 41.000 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn (27.000 tỷ) và nợ thuê tài chính ngắn hạn (15.000 tỷ). Trong khi đó, nợ dài hạn giảm từ 21.000 tỷ đồng về gần 19.000 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến 30/6/2022 ghi nhận ở mức 28.921 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tiếp tục âm trên 4.900 tỷ đồng.

Bamboo Airways mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh tuy nhiên trước đó, thông tin tới cổ đông về kết quả doanh thu của Bamboo Airways tại ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn FLC ngày 2/7, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways, thời điểm đó là ông Đặng Tất Thắng cho biết hoạt động của hãng hàng không ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, trong bối cảnh du lịch đang hồi phục hậu dịch bệnh.

“Doanh thu quý II của Bamboo Airways tăng 50% so với quý I, vượt 30% so với kế hoạch đầu năm”, ông Đặng Tất Thắng nói.

Trong một động thái liên quan, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 mà FLC vừa công bố, hãng hàng không Bamboo Airways chính là một trong những nguyên nhân khiến FLC lỗ đậm. Theo giải trình của FLC do Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền ký, FLC bị ảnh hưởng tăng lỗ 311,6 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không, dẫn đến lợi nhuận sau thuế đảo chiều trong quý II/2022.

Báo cáo tài chính tiết lộ FLC kiểm soát trực tiếp 21,7% vốn điều lệ Bamboo Airways, tương đương đang đầu tư khoảng 4.015 tỷ đồng. Khoản lỗ của FLC trong hãng bay này lên tới gần 955 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.

Ước tính theo báo cáo tài chính của FLC - hiện còn nắm giữ 21,7% vốn của Bamboo Airways - thì hãng hàng không này lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tức gần bằng mức lỗ của cả năm 2021.

Trong năm 2021, hãng bay này ghi nhận lỗ hơn 2.200 tỷ đồng do tác động của đại dịch. Trong các năm trước, Bamboo Airways lãi khoảng 240-300 tỷ đồng/năm.

Hồ sơ doanh nghiệp - Hàng không phục hồi: Kẻ cười, người vẫn khóc (Hình 2).

Nhà ga hành khách quốc nội Cảng HKQT Nội Bài.

Vietravel Airlines chưa có báo cáo tài chính quý II/2022 tuy nhiên theo báo cáo tổng hợp của Viettravel (là công ty mẹ của hãng bay này), hoạt động kinh doanh của Vietravel Airlines đã hồi phục trong quý II/2022 nhưng doanh thu vẫn chưa bù đắp cho các khoản chi phí do thị trường quốc tế chưa phục hồi, giá nhiên liệu tăng đột biến, mức giá nhiên liệu bình quân tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, có thời điểm chiếm 65% doanh thu chuyến bay.

Hãng bay này cũng đặt mục tiêu tăng đội tàu bay sau khi đã tổ chức các đợt tuyển dụng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh để đào tạo đội ngũ nhân sự, chuẩn bị phục vụ trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của hãng vào cuối quý III, đầu quý IV năm 2022.

Với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, Vietravel Airlines dự kiến tình hình kinh doanh sớm được cân bằng giữa doanh thu và chi phí.

Link nội dung: https://kinhtenet.vn/hang-khong-phuc-hoi-ke-cuoi-nguoi-van-khoc-1761.html