Trần Lân

Phú Thọ: Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để bảo đảm nhiều nhất quyền lợi cho người tiêu dùng, tỉnh Phú Thọ thực hiện tăng cường các giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa.
ntd-1650596051.jpg Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị BigC Việt Trì.  (Ảnh: Liên Linh/Phutho.gov).

Đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 4 trung tâm thương mại, 16 siêu thị, 197 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa phân bố ở khắp các huyện, thành, thị. 

Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, để thích ứng người tiêu dùng đã kết hợp song song giữa hình thức mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống với mua hàng trực tuyến trên Sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phát triển đa dạng các hình thức sản xuất, kinh doanh nhưng cũng sẽ là khó khăn đối với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng trong việc quản lý, lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) UBND tỉnh, Sở Công Thương và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD tỉnh xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, treo băng rôn và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.

Đồng thời, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng đến các xã, phường, thị trấn, khu dân cư để nâng cao kiến thức về luật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cung cấp những thông tin bổ ích về địa chỉ, thương hiệu sản phẩm có uy tín, đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Từ đó giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế cũng như khi việc kinh doanh trên môi trường mạng đang phát triển mạnh mẽ.

Cùng với nhận thức và nắm được các quyền lợi của người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, người dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các loại thực phẩm tươi sống, có hạn sử dụng ngắn ngày...

Tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường

1-1650596051.jpg Lực lượng quản lý thị trường huyện Yên Lập kiểm tra hàng hóa tại Cửa hàng tiện ích Anh Mart (thị trấn Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). (Ảnh: Liên Linh/Phutho.gov)

Song song với công tác tuyên truyền, các đơn vị chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; tăng cường công tác bảo hành sản phẩm, tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mại, tặng quà để tri ân khách hàng, kích cầu tiêu dùng.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện quyết liệt các biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng thì người tiêu dùng cũng cần phải có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình, phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các quyền của mình mà pháp luật đã quy định./.