Trần Lân

Nông nghiệp xanh: Quảng Nam phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi số

Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác của ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam trong năm 2022.

Theo đó, phát triển kinh tế nông nghiệp số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức tổ chức sản xuất, quản trị sản xuất, kinh doanh nông nghiệp dựa trên các công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, tự động hóa qui trình sản xuất … nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gia tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất. thông tin minh bạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và là cơ sở để phát triển sản xuất bền vững.

Ngay từ bước đầu triển khai thực hiện, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã xác định lấy chủ thể sản xuất đóng vai trò trung tâm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số toàn ngành. Qua đó, đề ra mục tiêu: Tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong kinh tế nông nghiệp; hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, giá thành thấp, thu nhập tăng; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp… Từng bước khắc phục những tồn tại như mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém phát triển cũng như thiếu liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp…

kinh-te-so-nong-nghiep-quang-nam1-1648954364.jpg Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Ảnh: https://snnptnt.quangnam.gov.vn/
kinh-te-so-nong-nghiep-quang-nam2-1648954379.jpg Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam khảo sát mô hình sản xuất rau sạch (Nông nghiệp xanh) Hưng Mỹ, huyện Thăng Bình. Ảnh: https://snnptnt.quangnam.gov.vn/

Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chương trình phát triển kinh tế số nông nghiệp Quảng Nam, tập trung tập trung vào nhóm đối tượng nông sản chủ lực, điển hình về kinh tế xanh là sản phẩm OCOP cho nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã tham gia vào chuỗi liên kết.

Những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp địa phương bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng, vùng chăn nuôi: Rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả các mã vùng trồng hiện có; đề nghị cấp mã số vùng trồng mới và số hóa vùng trồng tập trung; Lựa chọn ứng dụng công nghệ số tiên tiến, hiện đại vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tự động hóa các quy trình sản xuất; giám sát, truy xuất nguồn gốc, số hóa, minh bạch thông tin, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng nông sản; Xây dựng thương hiệu nông sản để đáp ứng yêu cầu thị trường như sản phẩm đảm bảo ATTP, có nhãn mác, ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng nhật ký điện tử để thay thế sổ tay ghi chép; Phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp giúp chủ thể sản xuất tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, tiếp cận được thông tin thị trường nhằm thúc đẩy hợp tác sản xuất, kinh doanh dần dần hình thành chuỗi nông nghiệp (sản xuất - cung ứng - thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu, phân phối).

Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam năm 2022:

- Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)  trong nội bộ các Phòng (tương đương), đơn vị trực thuộc Sở như trang thiết bị CNTT; hạ tầng mạng LAN; mạng Internet tốc độ cao;... đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh.

- Hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương và khai thác thông tin của chủ thể sản xuất.

- Triển khai chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh (LRIS).

- Tích hợp, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh và Bộ Nông nghiệp & PTNT trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) và hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP).

- Thực hiện thí điểm mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với chuyển đổi số trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực hoặc sản phẩm OCOP có năng lực cạnh tranh trên thị trường.

- Phấn đấu 100% các sản phẩm OCOP hạng 3* trở lên và một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên trang thông tin sản phẩm tỉnh Quảng Nam (https://sanpham.quangnam.gov.vn); các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như sàn postmart.vn - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, sàn voso.vn - Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel; phiên chợ khuyến nông; cổng hợp tác xã OCOP Việt Nam (OCOP GATE-https://conghtxocop.vn/cong-htx-ocop)…