Nông dân Đông Triều "ấm no" nhờ vườn na

Na dai Đông Triều vụ này chín muộn gần 1 tháng, sản lượng giảm khoảng 10% so với năm ngoái nhưng lại có giá bán cao hơn. Đây là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của Quảng Ninh, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân với thu nhập vài trăm triệu đồng/hộ.

Xác định được "long mạch"

Từ những năm 1994 - 1995, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc, huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) quyết định trồng vải thiều xen lẫn na dai. Cây na dai phát triển tốt, năng suất cao và cho quả ngon.

Từ khi cây mới ra hoa, các tư thương trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đã đến đặt mua tại vườn. Những năm gần đây, bà con trồng na được tập huấn kỹ thuật, đặc biệt là quy trình trồng và chăm sóc đảm bảo cho sản phẩm sạch, nên sản lượng na dai tăng đáng kể, tạo thu nhập cho người dân.

Với những ưu điểm nổi trội đó, Đông Triều đã chọn đưa na dai vào là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương mình để phát triển kinh tế. Từ đó tạo tiền đề để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Vụ na mùa năm 2022 của thị xã Đông Triều cho thu hoạch muộn hơn khoảng một tháng so với năm ngoái, sản lượng giảm khoảng từ 10%. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường; cùng đó, do có nhiều diện tích na đã canh tác trên cùng một thửa đất lâu năm, chưa chuyển đổi và cây na già cỗi nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình cho quả và sản lượng của na.

Tại vườn na hơn 1 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Trà (thôn Khê Thượng, xã Việt Dân) thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Na đầu mùa mỏng vỏ, có vị ngọt sắc đang được thu mua tại vườn với giá có thể lên đến 45.000 - 50.000 đồng/kg.

“Năm nay không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên thương lái về tận vườn na thu mua, không phải đi bán lẻ. Giá na đầu vụ rất triển vọng và đang cao hơn năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg. Hiện giờ gia đình mới thu nhập được 1 tấn, như năm ngoái với 1 ha na cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng”, chị Tra chia sẻ.

Nhờ nguồn thu nhập từ cây na nên thời gian qua nhiều nông dân Đông Triều có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, thậm chí là cho con cái đi du học nước ngoài. Ở đây, nhà ít cũng có vài mẫu trồng na, nhiều thì lên tới cả ha. Các vườn na đều được quy hoạch gọn gàng và được trang bị hệ thống tưới tiêu khoa học.

na-dai-trai-vu-o-dong-trieu-quang-ninh-dang-hut-khach-1661065378-1661098021.jpeg

Nhiều hộ nông dân tại Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) có thu nhập tốt lên nhờ trồng na dai.

Ông Nguyễn Văn Khoa, xã Việt Dân cho biết, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn na của gia đình dù đã gần 20 năm tuổi nhưng vẫn cho chất lượng tốt.

“Tại địa phương hiện chưa có cây trồng nào thay thế được cây na. Khi người dân nắm được khoa học kỹ thuật nên có thể quyết định được việc na ra quả nhiều hay ít, ra quả vào thời điểm nào. Vụ na năm nay được giá và người dân không phải mang na đi bán. Tất cả con em học hành giỏi giang, nhà cửa khang trang đều nhờ cây na”, ông Khoa tự hào.

Vụ này, sản lượng na dai của Đông Triều ước đạt 9.000 tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái phần do thời tiết không thuận, phần do nhiều vườn na đã vào giai đoạn già cỗi cần thay thế.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch xã An Sinh - xã có diện tích trồng na lớn nhất của thị xã Đông Triều cho biết, ngành Nông nghiệp đang hướng dẫn bà con cải tạo vườn, trồng thay thế bằng giống na mới có năng suất cao hơn và đầu tư, chăm sóc cây na theo quy trình VietGap.

“Nhiều vườn na đã trồng 20 năm nên chất đất và cây na cho quả kém dần. Ngoài việc tiếp tục xây dựng na VietGAP, năm vừa qua xã cũng thí điểm trồng 3 ha na hữu cơ; đồng thời xây dựng mô hình trồng na Thái Lan và Đài Loan. Qua đánh giá tổng kết cho thấy giống na mới có năng suất và chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh lại cho thu nhập cao hơn na bản địa, nên xã tiến tới khuyến khích người dân thay đổi các giống na này”, ông Thắng cho biết.

Theo thống kê, hiện thị xã Đông Triều đang có trên 2.000 ha trồng cây ăn quả. Trong đó, vùng trồng na chiếm gần 890ha, tập trung tại các xã An Sinh, Việt Dân, Tân Việt, Bình Khê với năng suất 125 tạ/ha, sản lượng khoảng 11.120 tấn/năm.

Hiện một số vườn na đã chuyển hướng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tăng giá trị của sản phẩm, theo đó, quả na dai sau thu hoạch được dán mã QR, đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ vào các kênh thương mại uy tín trong nước, nâng cao giá bán sản phẩm, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

30721na1-1661065378-1661098021.jpeg

Na dai Đông Triều từ lâu được biết đến với mùi vị đặc trưng.

Chuyển đổi số, khẳng định thương hiệu

Hiện nay, thị xã Đông Triều đã xây dựng sàn thương mại điện tử riêng của địa phương là Đông Triều Mart. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh xây dựng và đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử riêng.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Quảng Ninh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về CNTT, cách thức bán hàng online để nông dân có thể tự kết nối với các sàn tiêu thụ nông sản thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Cuccu, DongTrieu Mart…) sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để tiếp cận, bán hàng trực tiếp cho người tiêu thụ.

Vừa qua, tại Hội nghị liên kết "6 nhà" về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na Đông Triều, nhiều thông tin, kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm bón, thu hoạch, bảo quản na; chính sách, định hướng kinh doanh, kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm, các vấn đề quan tâm của hộ trồng na đã được các “nhà”: Quản lý, khoa học, doanh nghiệp, phân phối, ngân hàng… tư vấn, hướng dẫn, gợi ý cụ thể. Cùng đó là những cam kết liên quan đến nguồn vốn, cơ chế, đầu ra... nhằm phát triển cây Na Đông Triều bền vững hơn.

Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều cho biết, vụ na năm nay chín muộn và trong khoảng 1 tháng sẽ tiêu thụ hết khoảng 9.000 tấn na chín rộ với nhiều thị trường từ các tỉnh miền Trung trở ra. Đối với na VietGAP cũng được đưa vào các siêu thị lớn trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng và bảo vệ thương hiệu na Đông Triều, tới đây địa phương này có kế hoạch mở rộng diện tích na VietGAP đã đạt tiêu chuẩn đối với các xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thiện quy trình kỹ thuật để na có năng suất chất lượng cao nhất.

Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Để cây na tiếp tục phát triển, tăng giá trị kinh tế và liên kết theo chuỗi, bền vững từ sản xuất, sơ chế đến lưu thông, tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng, nhà phân phối và người nông dân để góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.