Trần Lân

Người trồng chè Sơn La gặp khó vì giá phân bón tăng cao

Tình hình giá phân bón tăng cao kéo theo nhiều khó khăn khiến nhiều gia đình trồng chè ở Sơn La băn khoăn có nên tiếp tục đầu tư trong giai đoạn này.

Đã từ nhiều năm nay, chè là cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều gia đình đang băn khoăn có nên tiếp tục đầu tư khi giá cả phân bón tăng cao kéo theo rất nhiều khó khăn.

Gia đình anh Lò Văn Thạch ở bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu có 5.000 m2 trồng chè, cho sản lượng trên 10 tấn/năm. Thông thường, để cây chè phát triển tốt và cho sản lượng cao, gia đình mỗi năm phải bón từ 2 - 3 tấn phân đạm. Năm nay, giá phân bón tăng quá cao, có thời điểm lên tới 20.000đ/kg, nên gia đình chỉ làm cỏ, vun gốc để chè phát triển được đến đâu thì thu hái đến đó, vì thế sản lượng ước chỉ bằng một nửa so với mọi năm và giá chè loại 1 chỉ giao động từ 6.000 – 7.000đ/kg.

“Giá phân tăng cao, gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí chúng tôi không dám mua phân về bón, mà không bón thì sản lượng bị giảm nhiều, chắc chỉ còn khoảng 40 – 50% so với mọi năm. Bây giờ gần như gia đình không có nguồn thu nên chúng tôi cũng rất lo lắng”, anh Lò Văn Thạch chia sẻ.

doi-che-moc-chau-11-nemtv-1649071400.jpg Giá phân bón tăng cao khiến người trồng chè lao đao. Ảnh minh họa

Sự thiếu hụt nguồn cung do cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng với loạt yếu tố tồn tại từ trước khiến cho giá phân bón tăng cao kỷ lục.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, năm 2021, Nga là nhà xuất khẩu phân đạm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lớn thứ 2 về phân kali và phân lân.

Ông Chris Lawson - Trưởng phụ trách lĩnh vực phân bón tại CRU - cho biết thương mại giữa Nga và phần còn lại của thế giới vẫn tiếp diễn, song đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi các nhà nhập khẩu và các hãng tàu xa lánh Nga sau chiến sự tại Ukraine.

Việc Nga, quốc gia chiếm khoảng 14% xuất khẩu phân bón toàn cầu, tạm ngừng xuất khẩu phân bón được cho là sẽ gây ra hiệu ứng domino trên thị trường lương thực toàn cầu.

"Hơn nữa, giá khí đốt - nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân bón - tăng cao đã dẫn đến việc hạn chế sản xuất ở các khu vực như châu Âu. Điều này khiến nguồn cung thị trường vốn đã hạn hẹp càng thêm thắt chặt", Lawson nói.

Mới đây, hàng loạt doanh nghiệp và đại lý phân bón trên cả nước vừa tiếp tục thông báo tăng giá phân bón. 

Giữa tháng 3, giá Urê Cà Mau, Urê Phú Mỹ tăng 200 đồng/kg so với ngày trước đó lên khoảng 18.000 đồng/kg, Urê Hà Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg. Phân DAP Đình Vũ đang được các đại lý rao bán với giá 18.800 đồng/kg, DAP Lào Cai 18.500 đồng/kg, phân NPK Phú Mỹ 16.000 đồng/kg, NPK Russian 16-16-16 giá 16.500 đồng/kg…

Đây là lần thứ 3 liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán, giá các loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali…đồng loạt tăng. So với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%. Có loại biến động giá theo tuần, như Kali sau khi liên tục tăng vọt.

Là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn nhất của tỉnh Sơn La, Thuận Châu hiện có hơn 1.400 ha chè, trong đó gần 1.200 ha chè cho thu hoạch, năng suất ước đạt hơn 1tấn/ha, sản lượng hơn 11.500 tấn.

“Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cũng phối hợp với các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và chuyển giao các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm lượng phân bón hóa học, phân bón vô cơ và tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, đặc biệt là tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp và các loại phân chuồng, sử dụng men vi sinh để ủ tạo nguồn phân hữu cơ để phục vụ cho sản xuất, đảm bảo tăng năng suất cây trồng, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết.

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao kỷ lục như hiện nay, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, người dân nên sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng liều lượng, kỹ thuật theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng. Đồng thời, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng, vừa giúp cải tạo đất, vừa giảm chi phí, nhưng vẫn bảo đảm năng suất cây trồng.