Ngành gỗ và mục tiêu xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/tháng, thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 17,5 tỷ USD cuối năm nay sẽ hoàn toàn khả thi.

Mặc dù, quý 1/2022 là giai đoạn sản xuất có phần đình trệ do ảnh hưởng dịch bệnh, chi phí logistics tăng cao, tuy nhiên bằng nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải tiến hoạt động tại các phân xưởng, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, một số doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng khá tốt.

Ngành gỗ đang được các chương trình về chuyển đổi số thực hiện tại 2 đầu của chuỗi giá trị gồm chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc gỗ và showroom triển lãm trực tuyến đang đóng góp cho sự tăng trưởng. 

Qua đó, để đạt kế hoạch xuất khẩu năm 17,5 tỷ USD, trong bối cảnh tình hình giá cước vận tải tăng và nguy cơ lạm phát, ngành gỗ đang tìm nhiều giải pháp để khắc phục, nâng cao tính cạnh tranh.

nganh-go-1644465241240155264675-1651648317.jpeg Ảnh minh hoạ.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: "Ngành gỗ tìm mọi giải pháp giảm chi phí, chia sẻ với các nhà nhập khẩu để đảm bảo cho năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, đồng thời đưa ra loạt giải pháp về chống gian lận thương mại, tái cấu trúc đi thẳng vào những sản phẩm có lực hút cao của thế giới như phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và nhiều sản phẩm trung gian khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam".

Đầu năm nay, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng 30 - 52%, cùng với thời gian vận chuyển kéo dài nên doanh nghiệp đang gặp khó về bài toán nguyên liệu.

Vì vậy, giải pháp cấp thiết là phải tăng trồng rừng gỗ lớn để thay thế khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ nhập khẩu mỗi năm.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, tháng 4/2022 diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 67,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 34,8 triệu cây, tăng 6,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4,7 triệu m3, tăng 4,4%; sản lượng củi khai thác đạt 6,2 triệu ste, tăng 0,7%.

Tình hình thiệt hại rừng 4 tháng đầu năm 2022 giảm so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng ước tính 118,6 ha, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 4,3 ha, giảm 77,5%; diện tích rừng bị chặt phá là 114,3 ha, tăng 14,6%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng bị thiệt hại là 361,8 ha, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 13,7 ha, giảm 89,8% (diện tích rừng bị cháy cùng kỳ năm trước là 134 ha); diện tích rừng bị chặt phá là 348,1 ha, giảm 0,4%.