Trần Lân

Nâng công suất, tăng vốn đầu tư bến số 5, số 6 khu Cảng Lạch Huyện

Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định mở rộng quy mô và bổ sung thêm hơn 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 186 chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299 ngày 04/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc mở rộng quy mô dự án nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng và khả năng cạnh tranh với các cảng quốc tế trong khu vực.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy mô dự án thành đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 900 m (mỗi bến dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu công-ten-nơ đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 1 bến sà lan có chiều rộng 100m, tiếp nhận tàu, sức chở 160 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.  

Quy mô sử dụng đất khoảng 58,4042 ha (chưa bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng)".

Trước đó, tại Quyết định số 299 ngày 4/3/2021, quy mô Dự án gồm việc đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 750 m (mỗi bến dài 375 m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus); 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sức chở 48 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất khoảng 47 ha.

Nội dung điều chỉnh thứ hai là vốn đầu tư thực hiện dự án (do nhà đầu tư đăng ký là 8.951,185 tỷ đồng; giai đoạn 1 (từ năm 2020-2025) là 8.339,717 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030) là 611,468 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác chiếm 85% tổng vốn đầu tư.

Quy mô vốn này, tăng khoảng 2.500 tỷ đồng so với Quyết định số 299/QĐ – TTg.

Các nội dung khác tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 04/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ được giữ nguyên.

Kinh tế vĩ mô - Nâng công suất, tăng vốn đầu tư bến số 5, số 6 khu Cảng Lạch Huyện

Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng do Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco là nhà đầu tư.

Cũng tại Quyết định trên, Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm cập nhật phạm vi, ranh giới, diện tích sử dụng đất của Dự án theo điều chỉnh chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định và các nội dung có liên quan theo chức năng nhiệm vụ quản lý. Cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu vực đảo Cát Hải thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để đảm bảo sự phù hợp của Dự án với quy hoạch xây dựng theo quy định.

UBND Hải Phòng chỉ đạo nhà đầu tư hoàn thiện Dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan và tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco theo đúng quy định về pháp luật đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, các pháp luật khác có liên quan, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của nhà đầu tư (vốn tự có, tự bổ sung, tự huy động và vốn vay) theo tiến độ thực hiện Dự án.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án điều chỉnh, hiệu quả đầu tư Dự án và các nội dung cam kết theo quy định của pháp luật; hoàn thiện Dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến các cơ quan liên quan tại Báo cáo thẩm định điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; chịu trách nhiệm huy động đầy đủ nguồn vốn, tổ chức, triển khai thực hiện và quản lý Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco chịu trách nhiệm thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Tổ chức kinh tế được thành lập phải là doanh nghiệp do Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco nắm 100% vốn điều lệ và phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Kinh tế vĩ mô - Nâng công suất, tăng vốn đầu tư bến số 5, số 6 khu Cảng Lạch Huyện (Hình 2).

Với việc điều chỉnh này, hai bến số 5, số 6 cảng cửa ngõ Lạch Huyện - Hải Phòng sẽ đón được những cỡ tàu chở container lớn nhất thế giới vào nhận, trả hàng.

Trước đó, ngày 04/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 04/3/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng. Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco là nhà đầu tư.

Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng 2 bến container số 5, số 6 tại Khu bến cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng nhằm từng bước xây dựng khu bến cảng container hiện đại theo quy hoạch được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (hệ thống cảng biển, logistics và khu công nghiệp sau cảng) thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco đã có văn bản gửi Bộ GTVT, UBND Tp Hải Phòng về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.

Theo chủ đầu tư Dự án, trên cơ sở hợp tác với các đối tác hãng tàu nước ngoài thì cỡ tàu khai thác thông dụng đang sử dụng có chiều dài từ 366m đến 399m. Mặt khác diện tích khu nước trước bến nơi neo đậu tàu làm hàng và khoảng cách từ mép bến ra đến biên luồng hàng hải Lạch Huyện tại bến số 5, bến số 6 lớn hơn rất nhiều các bến khác.

Như vậy, việc tăng chiều dài tuyến bến từ 375m/bến lên 450m/bến và nâng cỡ tàu khai thác từ 6.000 Teus đến 18.000 Teus là rất cần thiết và phù hợp về mặt kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả khai thác cảng và khả năng cạnh tranh với các cảng quốc tế trong khu vực. Đồng thời việc điều chỉnh quy mô bến sà lan như trên để gom rút hàng bằng đường thủy nội địa là hoàn toàn phù hợp.