Lãi suất huy động chạm ngưỡng 9%/năm: Áp lực tăng lãi suất cho vay

Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào, NHNN vẫn sẽ ưu tiên ổn định tỉ giá và kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất huy động

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành từ cuối tháng 9/2022, biểu lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã không ngừng tăng. Đáng chú ý, tại một số ngân hàng đã áp dụng lãi suất tiền gửi gần 9%/năm.

Theo công ty chứng khoán SSI, hầu hết các ngân hàng thương mại trong hệ thống đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 30 - 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chính thức tăng 50 điểm cho tất cả các kỳ hạn, và các ngân hàng thương mại khác như MBBank, ACB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBank cũn ghi nhận mức tăng 30 -100 điểm.

Theo đó, Ngân hàng Bản Việt vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,4%/năm kỳ hạn 18 tháng, lãnh lãi cuối kỳ chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng. Ở các kỳ hạn thấp hơn, khách hàng tại Bản Việt Bank sẽ nhận được lãi suất 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6, 9, 12, 15 tháng.

Con số lãi suất huy động 8,4%/năm này đã vượt qua mức 8,2%/năm do ngân hàng số Cake by VPBank đưa ra vào tuần trước, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn 36 tháng.

Một số nhà băng khác cũng có mức lãi suất tăng cao từ 7 - 8%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với tiết kiệm Phát Lộc Tài của ngân hàng SCB lên 7,2%; tiết kiệm online lên 7,25%/năm. Kỳ hạn gửi 9 tháng có lãi suất tương ứng 7,35% và 7,4%/năm.

Đáng chú ý, Kienlongbank đang là ngân hàng trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao nhất thị trường với 7,3%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi qua kênh online. Nếu gửi tại quầy, mức lãi suất khách hàng nhận được sẽ lên tới 7%/năm.

Không chỉ Kienlongbank, CBBank, BacABank, MSB, VietABank và OCB cũng đều đưa ra mức lãi suất tiền gửi 6 tháng lên trên 7%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất của MSB với hình thức gửi tiết kiệm online đặc biệt kỳ hạn 12 tháng lên 8%, trong khi bình thường là 7,5%/năm, và ABBank đang có mức lãi suất cao nhất trên thị trường khi lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng lên tới 8,8%/năm, nhưng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Lãi suất không chỉ tăng kịch trần 5%

Theo công ty Chứng khoán SSI, NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5,0 – 5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỉ giá.

SSI cho rằng, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động của nhiều nhà băng hiện đã quay về giai đoạn trước dịch Covid-19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động - tín dụng chưa được cải thiện nhiều.

Có thể thấy, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng lên để các nhà băng có thể huy động lượng tiền nhàn rỗi từ người dân cũng như các tổ chức trong bối cảnh tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay luôn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Trên thực tế, số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.

Ngoài ra, sau khi NHNN điều chỉnh nới room tín dụng năm 2022 cho các tổ chức tín dụng có đề nghị, một số ngân hàng đã mở lại hoạt động giải ngân vốn bị ùn ứ trước đó. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới thanh khoản căng thẳng cục bộ trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào, nguyên nhân ưu tiên ổn định tỉ giá và kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng trong cuối năm nay nhưng có độ trễ so với lãi suất huy động, đồng thời có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng, hạn mức tín dụng đã được nới thêm khoảng 2% trong quý III và được kỳ vọng sẽ nới thêm 2% nữa trong quý cuối năm.

ACBS đưa ra dự báo, các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động thêm 0,5% đến cuối năm 2022 và tăng tổng cộng 1% trong cả năm nay để tăng cường nguồn vốn huy động.

Như vậy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm không chỉ tăng lên kịch trần 5%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng sau khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất kỳ hạn ngắn mà ngay cả kỳ hạn dài trên 1 năm lãi suất đầu vào cũng tăng mạnh.