SSI: Giá phân bón sẽ tăng trở lại nhưng khó quay lại mức đỉnh

SSI cho rằng xuất khẩu phân bón tháng 7 giảm mạnh có thể dẫn đến nhu cầu Ure khó phục hồi trong quý IV.

Trong quý đầu năm nay, giá phân bón thế giới lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm do nguồn cung khan hiếm. Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022 đã khiến cho nguồn cung phân bón và khí đốt bị đứt gãy, đồng thời thúc đẩy giá hai mặt hàng này tăng mạnh.

Tuy nhiên tới cuối tháng 6, giá phân bón Ure thế giới ghi nhận đà hạ nhiệt với nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc và chính sách xuất khẩu phân bón của Nga sang một số thị trường mục tiêu.

Tài chính - Ngân hàng - SSI: Giá phân bón sẽ tăng trở lại nhưng khó quay lại mức đỉnh

Giá Ure thế giới (USD/tấn) (nguồn: SSI Research, Bloomberg)

Giá Ure trong nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của xu hướng giảm giá trên thế giới. Cụ thể, theo 2Nong, giá Ure nội địa từng giảm đến 26% từ đỉnh vào cuối tháng 7 nhưng đến cuối tháng 8 còn giảm 20% từ đỉnh và giảm 15% so với đầu năm xuống còn 14.650 đồng/kg.

SSI Research cho rằng xuất khẩu phân bón tháng 7 giảm mạnh có thể dẫn đến nhu cầu Ure không phục hồi nhiều trong quý IV.

Tài chính - Ngân hàng - SSI: Giá phân bón sẽ tăng trở lại nhưng khó quay lại mức đỉnh (Hình 2).

Giá Ure trong nước (VNĐ/kg) (nguồn: Thị trường phân bón)

Đối với tình hình xuất khẩu phân bón tại các thị trường chính, báo cáo của SSI cho biết việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm cuất khẩu Ure vào quý III/2021 đã đẩy giá Ure tăng lên. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với Ure ban đầu dự kiến được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022, các hoạt động xuất khẩu vận rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với Ure trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022).

SSI ước tính Nga chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu Ure toàn cầu trong 2019. Do đó, sản lượng xuất khẩu Ure toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, điều này hỗ trợ giảm giá Ure.

Về xu hướng giá nguyên liệu đầu vào, giá than và giá dầu đã điều chỉnh đáng kể so với mức đỉnh đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn ở mức cao do gián đoạn nguồn cung từ Nga, cũng như lo ngại về khả năng sự gián đoạn này sẽ kéo dài.

Việc định tuyến lại nguồn cung khí tự nhiên đến châu Âu khó hơn nhiều so với mặt hàng than và dầu. Giá khí đốt nhiên liệu cao tại châu Âu khiến các nhà sản xuất Ure tại khu vực này giảm sản lượng thậm chí đóng cửa, đẩy giá Ure lên cao.

Trung tâm phân tích của SSI nhận định, giá khí đốt tự nhiên cao ở châu Âu chủ yếu ảnh hưởng đến giá Ure ở Biển Đen và Ai Cập. Trong khi đó, giá than điều chỉnh mạnh đã tác động lên giá Ure tại Trung Quốc. Giá Ure trên thị trường Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá Ure tại thị trường Trung Quốc hoặc Indonesia, hơn là giá Ure tại Biển Đen hoặc Ai Cập.

Nhu cầu Ure suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và do quý III thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Tuy nhiên, SSI kỳ vọng giá Ure sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ đông xuân bắt đầu, dù khó quay trở lại mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3/2022 trừ khi giá nguyên liệu Ure (khí, than) phục hồi trở lại.

Hồng Nhung

 

Link nội dung: https://kinhtenet.vn/index.php/ssi-gia-phan-bon-se-tang-tro-lai-nhung-kho-quay-lai-muc-dinh-1898.html