Nhân rộng mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học

Phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học đang là hướng đi đúng đắn không chỉ góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, mà còn giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang sớm hoàn thành các mục tiêu cụ thể trong mười năm tới gồm: đạt tỷ trọng 22 - 25% trong cơ cấu nội bộ ngành, tổng đàn bò sữa 48.000 con, bò thịt 132.000 con, đàn trâu 15.000 con, đàn heo 840.000 con, đàn gia cầm 15 triệu con, 200.000 hộp trứng giống tằm/năm, đáp ứng 44% nhu cầu sản xuất…

Lãnh đạo Sở NN – PTNT Lâm Đồng thông tin: “Ngành nông nghiệp Lâm Đồng hình thành các vùng, khu chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Tỷ trọng toàn ngành chăn nuôi nâng lên 30% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp...”.

chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-huong-huu-co-1-1654215941.jpg Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang được nhiều địa phương trên cả nước triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa.

Theo Sở NN – PTNT Lâm Đồng, nhiệm vụ phát triển chăn nuôi quy mô lớn trong mười năm tới trên địa bàn Lâm Đồng tập trung các đối tượng vật nuôi chủ lực gồm bò sữa, bò thịt cao sản, heo, gia cầm, tằm...

Còn đối với đàn bò sữa tiếp tục cải tạo, nhập khẩu con giống tăng năng suất, chất lượng sữa thu hoạch kết hợp với khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, khép kín dây chuyền công nghệ chế biến sữa, mở rộng mạng lưới liên kết thu mua ổn định sản lượng sữa bò tươi thu hoạch hàng ngày của người chăn nuôi.

Riêng  đàn bò thịt cao sản phát triển theo hướng lai tạo, nâng cao tầm vóc bằng các phương pháp thụ tinh nhân tạo với các nhóm giống bò thịt cao sản Zebu, Bradman, Red Angus, Sind, Droughmaster, Blanc Blue, Belgium...

Đàn heo xác định mục tiêu tăng số lượng cơ sở chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn giữa giống heo lai cao sản với giống heo lai bản địa, chuyển dần quy mô chăn nuôi nông hộ sang quy mô trang trại vừa và lớn.

Tương tự đàn gia cầm đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ theo quy trình công nghệ khép kín. Trong đó chú trọng sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm các giống gà lai năng suất, chất lượng cao như: gà thịt lông màu, gà thịt lông trắng, gà chuyên trứng…

Đồng thời, khuyến khích bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý hiếm của các nguồn, giống gà thả vườn bản địa đạt năng suất, chất lượng để xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo giải pháp hữu cơ, an toàn sinh học…

Ngoài ra, chăn nuôi tằm phát triển đạt mục tiêu tăng hiệu quả và theo hướng bền vững, xây dựng cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống tằm gắn vùng nguyên liệu canh tác cây dâu tằm và nghề nuôi tằm với hệ thống nhà máy ươm tơ, dệt lụa, đảm bảo thân thiện môi trường.

Để chủ động nguồn giống tằm chất lượng cao phục vụ công nghiệp chế biến tơ tằm, dệt lụa, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tích cực thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất giống tằm từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… để tập trung nghiên cứu chuyên sâu sản xuất trứng tằm phù hợp từng vùng sinh thái, đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, Lâm Đồng tổ chức các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết mới theo chiều dọc và chiều ngang gắn với thị trường ổn định, cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Trong đó, tiếp tục tạo môi trường thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao, mở rộng chuỗi liên kết hỗ trợ người nông dân chăn nuôi đạt các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn, hiệu quả kinh tế ngày càng gia tăng.

Nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích phát triển công nghệ sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng trong quá trình chăn nuôi. Đồng thời, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn thô xanh kết hợp với tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, phối trộn thức ăn đảm bảo thành phần dinh dưỡng cho đàn gia súc chăn nuôi tại chỗ.

Ngoài ra, vị trí xây dựng các khu trang trại chăn nuôi phải nằm cách xa khu dân cư để bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đồng thời, chú trọng đến vấn đề xử lý nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường.